Gắn kết giáo dục ngành, nghề với doanh nghiệp
Công tác đào tạo các ngành, nghề gắn với doanh nghiệp ngày càng được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh. Từ đó đem lại hiệu quả thiết thực, nâng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngày càng tăng lên rõ rệt, tạo dựng niềm tin trong xã hội.
HIỆU QUẢ
Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang được biết đến là trung tâm đào tạo và nghiên cứu theo hướng ứng dụng với 17 ngành, nghề đào tạo. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ, trường đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành, nghề lĩnh vực. Hằng năm, trường có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp ở đa dạng ngành, nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%.
Sinh viên, người lao động tìm hiểu thị trường lao động, việc làm tại Ngày hội Tuyển dụng, việc làm năm 2024 vừa tổ chức vào ngày 5-1-2024. |
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, một trong những hướng đi chiến lược của nhà trường là chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp cho sinh viên, như: Xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tế của xã hội; hỗ trợ sinh viên thực hành thực tập; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường…
Chất lượng đào tạo dần đáp ứng khá tốt những yêu cầu mà doanh nghiệp đòi hỏi khi tuyển dụng. Nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng thể hiện tốt năng lực, trình độ, có tinh thần cầu tiến, siêng năng trong công việc.
Bên cạnh Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Tiền Giang cũng là một trong những cơ sở giáo dục có quy mô đào tạo lớn của tỉnh với 18 ngành, nghề đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp. Xác định tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian qua, trường đã có các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị có ký kết hợp tác đào tạo đến nay lên 30 doanh nghiệp. Nhà trường có 12 ngành, nghề đào tạo thường xuyên liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 26 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 2 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân, việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề gắn kết với doanh nghiệp là đòi hỏi rất cấp thiết. Tại Ngày hội Tuyển dụng, việc làm năm 2024 được tổ chức mới đây đã thu hút 20 doanh nghiệp tham gia trực tiếp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, có trên 15 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia gián tiếp.
Qua nhận xét từ các doanh nghiệp, chất lượng đào tạo các ngành, nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ trung cấp đến đại học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có tay nghề cho các công ty, doanh nghiệp.
TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP
Với những hiệu quả đã chứng minh trong thời gian qua, công tác đào tạo gắn kết với doanh nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đây được xem là bước đi vững chắc cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.
Sinh viên, người lao động tìm hiểu thị trường lao động, việc làm tại Ngày hội Tuyển dụng, việc làm năm 2024 vừa tổ chức vào ngày 5-1-2024. |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, với vai trò tham mưu cho tỉnh về quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới ngành sẽ tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động. Trong đó chú trọng đến công tác đào tạo các ngành, nghề có chất lượng, thường xuyên tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, mở rộng hơn nữa số lượng các doanh nghiệp, thực hiện ký kết đào tạo với doanh nghiệp, từ đó biết nên đào tạo gì, thị trường lao động đang cần gì, chứ không phải đào tạo những gì mình có, thậm chí trong một số lĩnh vực, ngành nghề, vấn đề gắn kết với doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề không ngừng cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo sao cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các trường cũng cần năng động, thay đổi công nghệ, nắm bắt xu thế và các nghề có thể hình thành trong tương lai để đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên muốn làm được như thế, các trường cần xây dựng chiến lược hợp tác bài bản với doanh nghiệp.
Bên cạnh ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo cần chủ động thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, đặc biệt là cấp THCS và THPT. Thực tế trong những năm qua, công tác phân luồng học sau bậc THCS tuy có nhiều tín hiệu khả quan, song tỷ lệ học sinh vào các trường trung cấp nghề trong mỗi năm học còn khá khiêm tốn.
Qua thống kê, bình quân hằng năm dao động khoảng hơn 13% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, không vào học sinh trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động hay trở về địa phương lao động khi chưa được đào tạo nghề.
Trước bối bối cảnh mới như hiện nay, đòi hỏi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục cần đưa ra chiến lược, giải pháp hướng đi phù hợp để có thể tồn tại, cạnh tranh và nâng tầm giá trị, uy tín và vị thế.
PHI CÔNG