Tiền Giang: Để đảm bảo an toàn học đường
Môi trường giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Do đó, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị, đạo đức cho học sinh.
SỰ CẦN THIẾT CỦA XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC AN TOÀN
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học, như: Giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh học sinh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng thuốc lá điện tử; học sinh đánh nhau hội đồng… gây ảnh hưởng đến môi trường học đường.
Một buổi tư vấn cho học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang. Ảnh P. CÔNG |
Tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ việc đáng tiếc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học đường. Mặc dù hậu quả của những sự việc là không lớn, nhưng đó là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường.
Trước đây, trên địa bàn huyện Cái Bè cũng đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, 1 nam sinh lớp 12 dùng dao tự chế đâm người khác tử vong tại khu vực cổng sau của trường. Mặc dù xảy ra bên ngoài khu vực trường học, nhưng vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường vốn gây nhức nhối nhiều năm qua.
Hay khoảng hơn 1 năm trước, tại một trường THCS trên địa bàn huyện Chợ Gạo, 1 nữ sinh lớp 9 đã leo lên lan can lầu 3 của trường nhảy xuống đất, may mắn nữ sinh này chỉ bị thương, không ảnh hưởng đến tính mạng…
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an toàn học đường không chỉ là quan tâm đến bạo lực học đường, mà còn là sự quan tâm đến rất nhiều yếu tố khác. Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), để xây dựng môi trường học đường an toàn có rất nhiều việc cần phải làm, nhưng vấn đề quan trọng hơn hết là các trường cần trang bị giúp học sinh hiểu biết về các kỹ năng cơ bản trong học tập và các kỹ năng xử lý, đối diện với các tình huống khó khăn trong cuộc sống ở lứa tuổi học đường. Trong đó, có những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đối diện với bạo lực học đường, kể cả dạy trẻ kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng và thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng. |
Theo dự thảo, tiêu chí trường học an toàn được quy định như sau: Thứ nhất, phòng học phải chắc chắn, thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Bàn, ghế của người học bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Hệ thống cửa chắc chắn, hệ thống điện, các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong phòng học và các thiết bị khác được lắp đặt ở vị trí phù hợp, an toàn.
Thứ hai, khu vực nhà bếp, căn tin nếu có phải độc lập với khối phòng chức năng, phòng học và có thiết bị chữa cháy bảo đảm hoạt động tốt. Bảo đảm theo quy trình bếp một chiều, lưu thông không khí. Thứ ba, khu vực nhà vệ sinh cho người học, cán bộ, giáo viên, nhân viên được thiết kế thông thoáng và bố trí riêng biệt cho nam và nữ; nền nhà vệ sinh khô ráo, sạch sẽ, chống trơn trượt. Cuối cùng là các cơ sở giáo dục phải có giải pháp phòng, chống tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích khác.
Theo đánh giá của ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục hiện nay đang thực hiện tốt công tác quản trị trường học. Tuy nhiên, do những lý do khách quan, tại một số trường học luôn tìm ẩn những nguy cơ mất an toàn, khó lường. Một khi có sự việc xảy ra, một số cán bộ quản lý chưa có kỹ năng xử lý, còn lúng túng.
TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP
Theo ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh có 188 trường mầm non, 178 trường tiểu học, 123 trường THCS và 38 trường THPT, chưa kể các trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Với số lượng lớn cơ sở giáo dục đã đặt ra cho ngành Giáo dục tỉnh cũng như các trường vấn đề quản trị trường học, trong đó đảm bảo an toàn cho học sinh phải được đặt lên hàng đầu.
Các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền, giáo dục kỹ năng cho học sinh. (Ảnh chụp tại Ngày hội Đọc sách do Trường Tiểu học Phú Nhuận, huyện Cai Lậy tổ chức). Ảnh: QUẾ NGÂN |
Với bậc học phổ thông từ tiểu học đến THPT, các cơ sở giáo dục đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền, giáo dục và trang bị cho học sinh kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực học đường, phòng tránh tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội…
Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường chú trọng để giữ gìn kỷ cương, nền nếp, văn hóa học đường. Đặc biệt, tại rất nhiều trường có phòng tư vấn tâm lý, giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý lứa tuổi, tránh các hành vi tiêu cực.
Với bậc học mầm non còn khá nhỏ nên kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ luôn được các cơ sở giáo dục mầm non đặt lên hàng đầu. Cô Phạm Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho biết, vấn đề an toàn trường học ở bậc mầm non có 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn khu vực ngoài lớp học khu vực sân bãi, khu vui chơi của trẻ. Thứ hai, khu vực bên trong lớp học phải đảm bảo an toàn các góc vui chơi, không cho trẻ đưa tay vào ổ điện, không nghịch vật sắc nhọn, không ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, rửa tay trước khi ăn…
Theo cô Điệp, ngoài 2 vấn đề trên, vấn đề không kém phần quan trọng là các trường cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào trường, không giao trẻ cho người lạ, người chưa được cha mẹ trẻ thông báo trước. Hơn bao giờ hết, các trường cần lắp hệ thống camera giám sát, lưu giữ số đường dây nóng hay điện thoại liên lạc của các ngành chức năng như Công an, UBND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn để khi có sự việc xảy ra sẽ xử lý kịp thời.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường học luôn được ngành Giáo dục tỉnh chú trọng, chỉ đạo các trường thực hiện một cách nghiêm túc. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng mất an toàn trường học như cháy nổ, công trình xuống cấp, ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội, thiên tai bão lũ… Từ đó, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh sẽ đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 80 ngày 17-7-2017 của Chính phủ. Chú trọng công tác giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh. Nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.
Các đơn vị cần thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục; kịp thời sửa chữa, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; nguy cơ tội phạm tấn công khi để lọt, lộ không tin cá nhân; thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
Ngoài ra, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo các trường học phối hợp tổ chức Đoàn - Đội trong trường phổ thông quan tâm tổ chức các diễn đàn “Sử dụng mạng xã hội đúng cách”, cung cấp cho học sinh các kỹ năng ứng xử có văn hóa trong môi trường học đường, tạo môi trường học tập lành mạnh, tích cực.
ĐỖ PHI