Tiền Giang: Tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm (DTHT) từ nhiều năm nay được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có rất nhiều ý kiến trái chiều với các góc độ khác nhau. Mới đây, nội dung này lại nóng lên tại diễn đàn Quốc hội với đề xuất đưa DTHT vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường các giải pháp quản lý để việc DTHT ngày càng đi vào ổn định, nền nếp, tránh xảy ra tiêu cực.
QUẢN LÝ DTHT
Hiện nay, văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định, điều chỉnh hoạt động DTHT là Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16-5-2012. Theo đó, Thông tư 17 đã quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức DTHT; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT, trách nhiệm quản lý; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính DTHT.
Đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng tích cực, phát huy năng lực học sinh góp phần giảm tình trạng DTHT. Ảnh chụp một tiết học tại Trường THPT Chợ Gạo. |
Tuy nhiên, từ năm 2016, khi Luật Đầu tư năm 2014 sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ DTHT ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc cấp phép cho hoạt động DT đã không còn hiệu lực. Đến tháng 8-2019, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 2499 công bố hết hiệu lực đối với các quy định liên quan đến việc tổ chức DTHT ngoài nhà trường.
Như vậy, hiện nay, Thông tư 17 chỉ còn quy định về các nguyên tắc trong hoạt động DTHT, quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT, quy định về các công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại tỉnh Tiền Giang, kể từ khi Thông tư 17 ra đời, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường quản lý DTTH như: Quyết định 48 của UBND quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; Công văn 2317 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh; Quyết định 01 của UBND tỉnh quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, trước hết, phải khẳng định học thêm là nhu cầu tự thân, nhìn nhận một cách khách quan, việc DTHT nếu đi đúng hướng sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, ngành GD-ĐT cũng đã tham mưu nhiều văn bản, tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoạt động DTHT để đảm bảo minh bạch, đúng quy định.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động DTHT tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý DTHT, ảnh hưởng đến công tác quản lý GD-ĐT. Chính vì vậy, việc chấn chỉnh DTHT đi vào nền nếp, tránh gây dư luận xấu trong xã hội là việc làm cần thiết đối với ngành GD-ĐT.
Tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát DTHT trong khuôn khổ nhà trường gồm: Đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thực thi công vụ.
Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ cũng đã gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung DTHT vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Theo ngành Giáo dục, trước những bất cập của Thông tư 17 đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý DTHT, tuy nhiên trong trách nhiệm của mình, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở các cấp học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Trong quá trình tổ chức giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá, các cơ sở giáo dục sẽ bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình, không đòi hỏi học sinh phải tiếp thu, thực hiện các vấn đề không có trong chương trình, vượt mức của chương trình, giảm áp lực học tập của học sinh nhằm giảm những nhu cầu DTHT không chính đáng.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có Quyết định 01 ngày 9-1-2024 ban hành Quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh. Trong quy định mới có một số điểm đáng lưu ý như: Tại các địa phương, UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn; chỉ đạo việc thanh, kiểm tra hoạt động DTHT; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về DTHT. Phòng GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ quản lý DTHT trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về quản lý DTHT; phổ biến, chỉ đạo các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện các quy định về DTHT; tổ chức thanh, kiểm tra về DTHT, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm… |
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là bậc THCS, THPT tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát huy được thế mạnh, tập trung học những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân, để giảm bớt áp lực học tập, tạo điều kiện phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.
Trong từng năm học, ngành GD-ĐT chủ trì tổ chức hoặc phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến các quy định thanh tra, kiểm tra về hoạt động và nội dung DTHT.
Ngành sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động và nội dung DTHT tại các cơ sở để kịp thời có những chấn chỉnh, không tạo dư luận xấu trong xã hội.
Phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định; thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, số điện thoại, đường dây nóng và địa chỉ email để tiếp nhận ý kiến, phản ánh của nhân dân về những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động DTHT, kịp thời xử lý theo quy định; kiên quyết xử lý những giáo viên cố tình tạo áp lực, gây khó khăn trong quá trình học tập, dùng áp lực điểm số để ép buộc học sinh tham gia lớp học thêm; có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của phụ huynh học sinh cùng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng, nhất là quản lý hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường.
VIỆT PHƯƠNG