Thứ Sáu, 19/01/2024, 11:07 (GMT+7)
.

Xã hội hóa giáo dục: Chưa như kỳ vọng

Nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia phát triển giáo dục và đào tạo (từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học), thực hiện theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi như chính sách về giao đất, cho thuê đất, chính sách thuế, tín dụng... khuyến khích xã hội hóa giáo dục (XHHGD).

Phủ khắp các bậc học

Theo Bộ GD-ĐT, mạng lưới cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đã phát triển đều khắp các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp giảm áp lực trường lớp cho hệ thống trường công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh. Đến nay, cả nước có 41.529 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó có 3.928 cơ sở giáo dục tư thục (3.209 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và 719 cơ sở giáo dục phổ thông), với hơn 1,2 triệu học sinh đang theo học (chiếm 5,78% so với tổng số học sinh cả nước).

Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo tư thục phát triển nhanh và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tính đến nay, cả nước có 67 cơ sở giáo dục đại học tư thục và 655 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (87 trường cao đẳng, 220 trường trung cấp, 348 trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Các cơ sở đào tạo tư thục đã tự chủ trong các hoạt động, thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định thương hiệu trong các lĩnh vực đào tạo, trong đó nhiều trường đã thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên, học viên đến học tập.

Ngoài ra, các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong giáo dục và đào tạo được Quốc hội và Chính phủ ban hành là căn cứ pháp lý để triển khai có kết quả tốt việc thu hút nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Chẳng hạn, tỉnh Bến Tre đã kêu gọi Tổ chức thiện nguyện thành phố Niigata (Nhật Bản) xây dựng 2 phòng học trị giá 190 triệu đồng; Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) được Tổ chức Christoffel Blindenmission của CHLB Đức viện trợ kinh phí thực hiện chương trình giáo dục trẻ khiếm thị với tổng kinh phí 399 triệu đồng; Tổ chức Samaritan (Mỹ) viện trợ 462 triệu đồng để trao học bổng, dạy nghề cho học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội)... Nhờ vậy, học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với chương trình đào tạo nước ngoài, với nội dung, phương pháp tiên tiến, hiện đại, các tài liệu, học liệu nước ngoài; giao lưu trực tiếp với người nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi, tiếp thu văn hóa và tri thức nhân loại, đồng thời chuyển tải văn hóa Việt Nam đến các dân tộc và quốc gia trên thế giới...
 

Phòng học số của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM do nước ngoài tài trợ. Ảnh: THANH HÙNG
Phòng học số của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM do nước ngoài tài trợ. Ảnh: THANH HÙNG

Đừng để đi lệch hướng

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng, mới đây, kết quả thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nguồn kinh phí để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Về cơ sở vật chất, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp (chỉ đáp ứng được 54,3%) trong giai đoạn 2014-2022; tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông chỉ chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước... Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho giáo dục, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách. Trong bối cảnh đó, nguồn kinh phí từ XHHGD thu hút được 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục phổ thông với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD. Đây là nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo. Do đó, đòi hỏi cấp thiết nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đẩy mạnh thực hiện tự chủ và xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, cần nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chăm lo, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo trước hết và trên hết là trách nhiệm của Nhà nước, các nguồn lực xã hội hóa chỉ góp phần bổ sung chứ không thay thế đầu tư của ngân sách Nhà nước; không vì thúc đẩy xã hội hóa và thực hiện tự chủ mà cắt giảm đầu tư của ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, XHHGD không chỉ còn đơn thuần là hỗ trợ cho Nhà nước trong điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của người dân, đi theo đúng quy luật của kinh tế của thị trường. Vậy nên, XHHGD không chỉ chờ những chủ đầu tư có điều kiện xin mở trường mà Nhà nước, chủ yếu chính quyền địa phương, căn cứ nguồn lực nhà nước đã đầu tư cho giáo dục và căn cứ nhu cầu cấp bách của giáo dục trên địa bàn mình quản lý để cân đối, đưa ra nhu cầu kêu gọi các chủ đầu tư tham gia phát triển giáo dục của địa phương bằng những chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế thu nhập và các điều kiện pháp lý khác. Muốn vậy, địa phương phải có chính sách giao đất sạch cho nhà đầu tư có điều kiện xây trường, có cam kết mức học phí tối đa của học sinh từng cấp, vì khi nhà đầu tư không phải đầu tư vào đất thì kinh phí xây dựng trường chỉ trong một thời gian nhất định sẽ thu hồi được vốn. Địa phương và nhà đầu tư nên tính toán để có mức học phí phù hợp, có thể cao hơn trường công nhưng chắc chắn người dân phải chấp nhận được...

* Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: TPHCM mời gọi xây dựng 86 dự án trường học

Sắp tới đây, TPHCM sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng xây dựng 86 dự án trường học, theo phương thức đối tác công - tư. Mỗi dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ đất và vốn vay ưu đãi trong vòng 7 năm. UBND TPHCM đã có chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu đề án xây dựng trường học, trong đó có trường học xây dựng bằng vốn Nhà nước và trường học xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, vốn kêu gọi đầu tư. HĐND TPHCM cũng sắp ra nghị quyết kêu gọi hợp tác theo phương thức đối tác công - tư, trong đó đất của Nhà nước và kêu gọi tư nhân đầu tư theo nhiều hình thức, có thể đầu tư xây dựng vận hành một thời gian trả lại Nhà nước hoặc vận hành theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Theo dự thảo đề án từ các quận huyện, sẽ có 106 dự án trường học kêu gọi đầu tư bên ngoài. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ cung cấp thông tin các dự án này đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay sau khi đề án được UBND TPHCM phê duyệt, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ với các địa phương, quận huyện tìm hiểu về quỹ đất cho giáo dục, cùng chung tay xây dựng trường học.

* TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Tôn vinh những mạnh thường quân đóng góp cho giáo dục

Chính sách XHHGD là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để huy động sự đóng góp của xã hội cùng Nhà nước thực hiện sự nghiệp giáo dục cho toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn bỏ trống việc tôn vinh những mạnh thường quân, các tổ chức tài trợ cho giáo dục mà bất vụ lợi. Chẳng hạn như một mạnh thường quân bỏ hàng trăm tỷ đồng xây ký túc xá và hàng năm chi hàng chục tỷ đồng để lo chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TPHCM. Nhà nước, chính quyền địa phương nên nghiên cứu, cần có những chương trình tri ân, tôn vinh những mạnh thường quân đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục để tạo tác động tích cực và lan tỏa cho xã hội.

(Theo sggp.org.vn)
 


 

.
.
.