.

Xuân về trên những ngôi trường chuẩn quốc gia

Cập nhật: 14:40, 24/01/2024 (GMT+7)

Đã qua rồi cái thời trường, lớp xuống cấp, cũ kỹ, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị… giờ đây đã thay vào đó là những ngôi trường kiên cố, khang trang, sạch đẹp trải dài từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Một mùa xuân mới lại về, cùng với đất trời đang chuyển mình vào xuân, bức tranh giáo dục tỉnh Tiền Giang đã được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi mới. Trong đó, dấu ấn từ những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia chính là niềm “kiêu hãnh” của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

NIỀM VUI Ở NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MỚI

Đến thăm Trường Mầm non Song Thuận, huyện Châu Thành trong tiết trời se se lạnh của những ngày cuối năm, tiếng cười đùa của trẻ làm cho không khí nơi đây trở nên náo nức và ấm áp. Từ một ngôi trường còn nhiều khó khăn trước đây và được sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo, ngôi trường Mầm non Song Thuận mới 1 trệt, 2 lầu đã đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của đội ngũ sư phạm nhà trường, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trong xã Song Thuận.

Trường THCS Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) được xây dựng mới,  đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Trường THCS Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) được xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Ngôi trường Mầm non Song Thuận được đầu tư xây mới với tổng kinh phí khoảng 26 tỷ đồng. Trường có 17 phòng học và phòng chức năng. Trường lớp khang trang, giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, tỷ lệ huy động trẻ hằng năm đều tăng, kết quả chăm sóc nuôi dạy trẻ có những chuyển biến tích cực. Trong năm học 2023 - 2024, trường có trên 180 trẻ và tổ chức bán trú hoàn toàn ở ngôi trường mới. Với những bước đệm vững chắc, hiện nhà trường đang tập trung xây dựng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Trong niềm vui của những ngày xuân về, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành Võ Văn Dũng phấn khởi cho biết, Châu Thành là một trong những địa phương có số lượng trường, lớp và học sinh nhiều nhất tỉnh Tiền Giang, số lượng trường, lớp được xây dựng mới, khang trang ngày càng nhiều. Theo thống kê, toàn huyện có 57 cơ sở giáo dục; trong đó có 23 trường mầm non, 21 trường tiểu học và 14 trường THCS với trên 37 ngàn học sinh. Đến nay, toàn huyện có 38/60 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 63,3% gồm 13 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 12 trường THCS.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của học sinh 14 ngày. Theo đó, học sinh các bậc học sẽ bắt đầu nghỉ tết từ thứ hai ngày 5-2-2024 (nhằm ngày 26-12 âm lịch năm Quý Mão) đến hết thứ bảy ngày 17-2-2024 (mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). 

Về huyện Tân Phước, ghé thăm Trường Tiểu học Tân Lập 1, chúng tôi thực sự ấn tượng với các dãy phòng học, phòng chức năng khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia. Ban Giám hiệu nhà trường phấn khởi cho biết, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, Trường Tiểu học Tân Lập 1 đầu tư xây mới với kinh phí trên 20 tỷ đồng gồm 10 phòng học, 7 phòng hành chính và các phòng chức năng, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy của 25 cán bộ, giáo viên và học tập của trên 300 học sinh. Thời gian qua, nhà trường quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất theo hướng mới và hiện đại, nâng chất đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018…

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tân Phước, Tân Phước là vùng đất từng được mệnh danh “rốn phèn, rốn lũ” của tỉnh Tiền Giang. Qua gần 30 năm thành lập và phát triển, diện mạo giáo dục của huyện Tân Phước đổi thay từng ngày. Từ 16 trường học khi mới thành lập, đến nay, huyện có 26 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS và có 22/26 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non 6/9 trường (66,66%); tiểu học 11/11 trường (100%); THCS 5/6 trường (83,33%), góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 5 về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Nằm ngay trung tâm TP. Mỹ Tho, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi vừa đón Bằng Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Trong những năm qua, nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý - giáo viên - nhân viên - học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường còn quan tâm thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục, của địa phương phát động đạt được nhiều thành tích nổi bật.

BỨT PHÁ NĂM 2024

Năm 2023 khép lại với nhiều kết quả khả quan cho ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang. Trong đó, một trong những kết quả quan trọng là công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 356/510 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 69,94%, trong đó mầm non 119 trường, tiểu học 136 trường, THCS 77 trường và THPT 24 trường. Kết quả này được đánh giá là khả quan, song công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn nhất định.

Theo đó, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các địa phương, đơn vị. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc đầu tư xây dựng thay thế số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp và bổ sung phòng học mới để tiếp nhận học sinh gia tăng chưa được đáp ứng thỏa đáng…

Trường Mầm non Thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trường Mầm non Thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đánh giá, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của Tiền Giang trong thời gian qua đã đi đúng hướng, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tập trung, chuẩn hóa và không dàn trải; đầu tư trang thiết bị có trọng điểm để tạo tính đồng bộ. Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành GD-ĐT tỉnh đặt ra chỉ tiêu xây dựng 70 trường mầm non; 26 trường tiểu học; 39 trường THCS và 14 trường THPT đạt trường chuẩn quốc gia. Riêng trong năm 2024, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mà tỉnh giao gồm mầm non 65%, THCS 66%, THPT 66% và tiểu học 84%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tiền Giang có tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, giáo viên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác nâng chất giáo dục, thường xuyên tự đánh giá trường học theo các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ GD-ĐT ban hành, xem đó là thước đo và làm căn cứ cho việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể, phối hợp với các địa phương trong việc chọn các trường học để quy hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia ở từng năm học.

Năm 2024 được xác định là năm bức phá với những giải pháp mạnh mẽ. Tin rằng, với những bước đi vững chắc, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện thành công các giải pháp xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Đ.PHI

.
.
.