.

Ngày xuân giáo dục văn hóa truyền thống cho trẻ em

Cập nhật: 14:36, 05/02/2024 (GMT+7)

Tết là dịp để cả nhà đoàn viên, sum vầy. Hơn bao giờ hết đây là cơ hội để tăng cường giáo dục con trẻ những bài học đầy ý nghĩa, đặc biệt là các giá trị truyền thống văn hóa tết Việt.

Ngày tết, trẻ em được nghỉ học dài ngày, đây là dịp để con trẻ tiếp xúc nhiều người xung quanh, học hỏi nhiều bài học thú vị. Năm nào cũng vậy, như trở thành thông lệ, gia đình cô Nguyễn Ngọc Mai, giáo viên nghỉ hưu ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn rôm rả tiếng cười, con cháu từ khắp mọi nơi tụ họp về đón tết sau một năm đi làm ăn xa.

Hội thi vẽ thư pháp Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công.
Hội thi Vẽ thư pháp Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Cô Mai kể, sáng mùng 1, con cháu tụ họp trước bàn thờ gia tiên để chúc tết ông bà, cha mẹ, sau đó đi thăm họ hàng, bà con. Ngày tết gia đình có thể cùng nhau đi tảo mộ, thăm viếng dòng họ, đây là dịp để gắn kết tình thân trong gia đình.

Thông qua đây, ông bà có thể dạy con cháu về nguồn cội, tổ tiên, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ tới người đã mất. Hay thông qua tục lì xì tết, ông bà có thể giáo dục cho các cháu ý nghĩa của tục lì xì tết là chúc nhau may mắn.

Ngày mùng 3 tết, gia đình thầy Nguyễn Thanh Hải, giáo viên nghỉ hưu ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang luôn tấp nập các thế hệ học trò đến thăm. Bên tách trà thơm nồng của mùa xuân, thầy Hải cùng những cựu học sinh của mình hàn thuyên tâm sự, cùng nhau nhắc về những kỷ niệm trường, lớp, kỷ niệm thầy trò. Thầy Hải chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà ông ba ta có thành ngữ “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, câu thành ngữ nhắc đến 3 nhân vật quan trọng nhất đối với mỗi con người đó là: Cha, mẹ và thầy, cô giáo.

Ngoài các bậc sinh thành, người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên”, để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Câu thành ngữ đã giáo dục cho con cháu sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc”.

Bên cạnh các giá trị truyền thống, những ngày tết là dịp để con trẻ được trải nghiệm những bài học thực tế vô cùng quý báu mà không có trong bất cứ sách vở nào. Chị Nguyễn Ngọc Trúc, nhà ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang kể lại, chị khá bất ngờ vì trong bài tập làm văn lớp 5 của con có hình bóng tảo tần của vợ chồng chị.

“Trong bài viết bé kể: Những ngày tết là quãng thời gian ba mẹ cực nhọc nhất. Bởi mẹ thì tất bật gói hàng tôm khô, còn ba thì phải thì phăng phăng trên những tuyến đường để kịp giao hàng cho khách. Có những lúc ăn không kịp ăn, mồ hôi nhễ nhại ướt đầy trên lưng áo, tới tận 30 tết mà chưa nghỉ ngơi. Và tất cả những việc làm của ba mẹ cũng chỉ vì mua sắm quần áo mới cho hai chị em” - chị Trúc cho biết.

Những trải nghiệm ngày tết là vô cùng thú vị. Chính vì vậy, thay vì người lớn lo toan, làm hết tất cả mọi việc thì hãy cho trẻ cùng tham gia trải nghiệm để có những bài học thực tế mà không có trong bài giảng nào của thầy, cô giáo có được.

Những trải nghiệm thực tế sẽ là chất liệu quý giá để nuôi dưỡng, cảm xúc, tâm hồn của trẻ. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng, những ngày tết, thay vì cho trẻ sử dụng điện thoại, ông bà, cha mẹ có thể cho trẻ cùng trải nghiệm dọn dẹp nhà cửa, chưng bày mâm ngũ quả bàn thờ gia tiên, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm ngày tết. Hay người lớn có thể dạy trẻ về phong tục xông đất, những lời chúc tết hay, ý nghĩa…

Tết là dịp đoàn viên, sum vầy. Hãy trân quý những phúc giây cùng bên nhau với gia đình và hãy cho nhau những trải nghiệm quý báo nhất trong những ngày tết đến xuân về này.

V. PHƯƠNG

.
.
.