Thứ Sáu, 16/02/2024, 10:49 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhiều định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong năm Giáp Thìn 2024

Với những tiền đề quan trọng, năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang sẽ đề ra các giải pháp căn cơ, đột phá  đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà lên tầm cao mới. Bước sang năm mới, Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang về vấn đề này.

* PV: Thưa Tiến sĩ, đâu là những tiền đề quan trọng của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Nói đến những tiền đề quan trọng của ngành GD-ĐT, trước hết phải khẳng định rằng, toàn ngành đã tổng kết, đánh giá qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD-ĐT với nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng và lan tỏa qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29.

Đầu tiên, đó là chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng cao, đội ngũ nhà giáo được nâng chất và cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư phát triển.

Thứ hai, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đạt nhiều hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Thứ ba, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh đã có những bước chuyển biến. Chất lượng thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây có những kết quả đáng khích lệ, trong năm 2023, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2022) và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024, tỉnh Tiền Giang đoạt 46 giải, xếp hạng thứ Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

* PV: Bên cạnh những thuận lợi thì ngành GD-ĐT hiện cũng đang đối diện với một số khó khăn nhất định. Như vậy, đâu là những khó khăn của ngành?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác GD-ĐT của tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như: Chất lượng giáo dục tuy có nâng lên, song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương; một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; vẫn còn thiếu giáo viên ở một số bậc học; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế; một số phòng học bán kiên cố xuống cấp chưa kịp thời cải tạo, sửa chữa; vấn đề dạy thêm, học thêm chưa được chấn chỉnh như mong muốn...

* PV: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng của ngành. Để thực hiện những nhiệm vụ chính trị, đâu là giải pháp của ngành trong năm nay, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Phải nói rằng năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành GD-ĐT. Với những tiền đề đã có sẵn, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo toàn ngành, trong năm 2024, ngành sẽ đề ra những giải pháp quan trọng như sau:

Thứ nhất, toàn ngành GD-ĐT tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT.

Thứ hai, trong năm 2024, toàn ngành sẽ triển khai hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 đối với các khối lớp và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Thứ ba, toàn ngành sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Thứ tư, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tập trung tuyển giáo viên còn thiếu để kịp thời bổ sung vào đội ngũ giáo viên của ngành.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non, GDPT và Giáo dục thường xuyên. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD-ĐT. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường công tác truyền thông trong GD-ĐT.

Thứ sáu, nhiệm vụ quan trọng đó là, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT ở tất cả các bậc học, tăng cường giáo dục kỹ năng, lối sống, đạo đức cho học sinh.

* PV: Trong năm Giáp Thìn 2024, Tiến sĩ muốn nhắn gửi tới cán bộ, giáo viên, học sinh?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Trong năm 2024, để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong toàn ngành GD-ĐT. Công việc phía trước sẽ còn rất nhiều, chính vì vậy, hơn bao giờ hết, tôi mong rằng, đội ngũ cán bộ, thầy, cô giáo đã cố gắng thì phải cố gắng hơn nữa, đoàn kết, tập trung trí tuệ, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ năm học được đề ra; không ngừng rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phong trào thi đua, là tấm gương tốt cho học sinh noi theo.

Đối với các em học sinh cần cố gắng học tập thật tốt, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo, tích cực tham gia các hoạt động, trau dồi kỹ năng sống, tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.