Cô Võ Thị Phượng Linh: Nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người
Bằng tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề giáo, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Võ Thị Phượng Linh, giáo viên Trường THCS Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn nỗ lực rèn luyện, đem hết niềm say mê, nhiệt huyết của bản thân để phục vụ sự nghiệp “trồng người”.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, cô Linh về công tác Trường THCS Long Hưng cho đến năm 2012, cô chuyển về Trường THCS Đông Hòa. Được Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử và Ngữ văn, trong mỗi năm học, cô Linh luôn trăn trở, tìm tòi phương pháp truyền thụ kiến thức tốt nhất cho các em học sinh; đồng thời, phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi. Chính vì vậy, mỗi tiết dạy, cô Linh đều đầu tư công sức và nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo.
Với môn Ngữ văn, cô Linh luôn tìm cách để mỗi giờ lên lớp sao cho nhẹ nhàng, cuốn hút học sinh. Qua bài giảng của mình, những giờ học văn của cô luôn sinh động, lý thú với thảo luận nhóm, sân khấu hóa, đọc hiểu tích cực, thuyết trình… tạo điều kiện để các em dễ dàng tiếp thu bài học, phát huy năng lực tư duy và khơi gợi niềm cảm hứng, đam mê với môn học Ngữ văn. Đặc biệt, cô Linh là một trong những giáo viên của trường luôn chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng bản đồ tư duy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh…
Còn đối với môn Lịch sử, để giờ học sử không còn khô cứng bởi những số liệu, cô Linh cho học sinh xem các đoạn phim về lịch sử, yêu cầu các nhóm hóa thân, đóng vai kể lại câu chuyện lịch sử để từ đó rút ra nội dung bài học. Chính vì vậy, những kiến thức trong quá trình giảng dạy luôn được cô truyền đạt, chuyển tải cho các em học sinh rất dễ hiểu, dễ nhớ.
Cô Linh chia sẻ, ngoài việc chịu khó tìm tòi, đổi mới phương pháp, kỹ thuật giảng dạy, bản thân cô còn chủ động quan sát, tìm hiểu và chỉ ra cho từng học sinh thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế của mình trong phương pháp học môn Ngữ văn và Lịch sử để các em có biện pháp khắc phục kịp thời. Nhờ vậy, kết quả cuối năm học hằng năm, tỷ lệ học sinh khá giỏi ở bộ môn Ngữ văn và Lịch sử của Trường THCS Đông Hòa luôn ở mức cao, rất nhiều học sinh đỗ vào lớp 10 ở môn Ngữ văn đạt điểm cao.
Bên cạnh công tác giảng dạy trên lớp, cô Linh còn được biết đến là người “mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo đó, từ đầu các năm học, cô đều xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, soạn giảng, cung cấp kiến thức, hỗ trợ tài liệu và đảm bảo giờ học bồi dưỡng đều đặn mỗi tuần từ 2 đến 4 tiết. Nhờ vậy, chất lượng học sinh giỏi ở bộ môn mà cô Linh đảm nhận hằng năm đều đoạt giải cao.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, cô Linh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Hơn 10 năm liền kể từ năm học 2013 - 2014, cô Linh đều tham gia viết sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và có 9 năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Một trong những sáng kiến tiêu biểu đó là “Thực hiện việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trong môn Ngữ văn lớp 9” đã được UBND huyện Châu Thành công nhận đề tài sáng kiến cấp huyện năm học 2022 - 2023. Với sáng kiến này đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhà trường, trong đó phải kể đến việc nâng cao chất lượng dạy và học. Sáng kiến đang áp dụng thực nghiệm vào thực tế đã đạt được những thành công nhất định trong dạy và học.
Với những cống hiến của mình, nhiều năm liền, cô Linh vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vì đã có thành tích trong công tác. Năm 2019, cô Linh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
Năm 2023, cô đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích giáo viên đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Và mới đây, cô Linh được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét chọn là “Nhà giáo tiêu biểu của năm” năm học 2022 - 2023.
Đ. PHI