Thứ Hai, 18/03/2024, 21:50 (GMT+7)
.
Tuyển sinh đại học 2024

Bảo đảm các kỳ thi nghiêm túc, chất lượng

Kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024 đã bắt đầu - còn gọi là tuyển sinh sớm, là các kỳ thi riêng của nhiều trường ĐH, không chờ kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây. Hơn 100 trường ĐH trên cả nước đã lấy kết quả của kỳ thi riêng này để xét tuyển thu hút sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh.

Kỳ thi riêng của các trường được nhiều thí sinh quan tâm. Ảnh: HẢI NAM
Kỳ thi riêng của các trường được nhiều thí sinh quan tâm. Ảnh: HẢI NAM

Nhu cầu thí sinh tăng cao

Từ bốn năm trở lại đây, một số trường có kỳ thi riêng để đánh giá năng lực, tư duy. Đây là kỳ thi trong nhiều phương thức để các trường có thể tuyển sớm được thí sinh phù hợp. Trong hơn 200 trường ĐH trên cả nước, hiện có 9 trường có tổ chức kỳ thi riêng và coi đây là một trong những phương thức tuyển sinh của nhà trường. Trong đó, bốn trường có quy mô tham dự trên 10 nghìn em là Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường của Bộ Công an.

Mang tên kỳ thi riêng, nhưng sang năm 2024, lại có thêm nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi này cũng như số trường ĐH giảm chỉ tiêu tuyển sinh lấy từ kỳ thi chung là tốt nghiệp THPT để tăng số chỉ tiêu lấy từ kỳ thi riêng. Ngoài những đơn vị tiên phong, năm nay thêm những kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Việt Đức hay Trường ĐH Cần Thơ. Năm ngoái kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Hà Nội được 74 trường ĐH, học viện dùng để tuyển đầu vào thì năm nay tăng lên 90 trường. Năm 2024, 105 cơ sở giáo dục ĐH sẽ dùng kết quả của kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để tuyển sinh. Đến thời điểm này, đã có 40 trường ĐH thông báo sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy (ĐGTD) năm nay do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Số thí sinh tham gia các kỳ thi riêng cũng tăng chóng mặt. Như tại ĐHQG Hà Nội, nhu cầu tham gia kỳ thi ĐGNL đã tăng mạnh trong bốn năm trở lại đây, năm 2021 có 1.000 thí sinh, năm 2022: 62 nghìn thí sinh, năm 2023: 87 nghìn thí sinh, năm 2024: 103 nghìn thí sinh. Có thể nói, việc tham gia các kỳ thi riêng sớm, có kết quả sớm khiến các thí sinh yên tâm một suất vào các trường ĐH. Nhưng cũng có thể khiến thí sinh sớm chịu áp lực thi cử và cả tốn kém nữa.

Chị Trần Thanh Loan (Từ Sơn, Bắc Ninh) có con tham gia kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội vẫn chưa hết bức xúc khi cả gia đình phải vất vả rồi vật vã khi đăng ký thi vào ngày 18/2, khi ĐHQG Hà Nội mở cổng đăng ký thi ĐGNL đợt 1. Ngay từ 9 giờ sáng, gia đình phải huy động nhiều thành viên với các máy tính khác nhau nhưng vẫn không thể đăng nhập được. Trong vòng nhiều tiếng, cả thí sinh tại Hà Nội lẫn các tỉnh đều phản ánh tới fanpage chính thức của ĐHQG Hà Nội là không thể “làm gì được!”. Sang đến đợt đăng ký thứ hai vào ngày 6/3, tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra tương tự. Nhiều phụ huynh và thí sinh nản chí, muốn từ bỏ kỳ thi ĐGNL này.

GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội xác nhận tình trạng thí sinh không vào được trang web để đăng ký thi. Cho dù, ĐHQG Hà Nội năm nay đã thiết kế hơn năm ngoái nhằm phục vụ đủ cho số thí sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu dự kỳ thi này ngày một tăng, trong đó, nhiều thí sinh đăng ký thi từ hai lần trở lên, đơn vị tổ chức thi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hay tại kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội, trong ngày 10/3 vừa qua, gần 11 nghìn thí sinh dự thi tại 26 điểm thi trên 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm thi của Trường ĐH Thái Nguyên xảy ra sự cố kỹ thuật, 5/10 phòng thi tại đây không thể kết nối mạng. Hội đồng thi của ĐH Bách khoa Hà Nội đã chuyển các em dự thi vào kíp chiều. Đã có 138 em dự thi kíp chiều và 12 em đăng ký dự đợt tiếp theo của ĐH Bách khoa trong tháng 4. Do thí sinh dự thi ngày càng đông nên ĐH Bách khoa Hà Nội mở rộng các điểm thi. Trong các đợt thi trước chỉ có 20 điểm thi, sang đợt ba, mở rộng thành 26 điểm ở 10 tỉnh, thành phố. Đợt tiếp theo và sang các năm tới, sẽ mở thêm các điểm thi tại khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
 
Đòi hỏi giám sát kỳ thi riêng

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp thị trường lao động trong tình hình mới, các trường ĐH đều muốn tăng chất lượng đầu vào. Theo các chuyên gia, việc tổ chức các kỳ thi riêng như ĐGNL của ĐHQG hay ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội để biết được năng lực và kiến thức chính xác hơn của thí sinh qua các môn học và hiểu biết về xã hội. Kỳ thi này còn giúp kiểm tra trình độ cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích dữ liệu và giải quyết các vấn đề, nhằm tuyển chọn được sinh viên theo mục tiêu và đặc thù đào tạo của trường.

PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, chủ trương tăng số trường đào tạo về kỹ thuật công nghệ nói chung của đất nước thì có những chương trình học tập, chương trình đào tạo khá thách thức với thí sinh. Đó là lý do mà ĐH Bách khoa Hà Nội luôn muốn có một kỳ thi tuyển sinh riêng để chọn lựa được thí sinh tốt nhất cho mình”.

Việc các trường tổ chức kỳ thi riêng cũng tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Trên thực tế, các trường vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển khác, trong đó có kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024 vẫn giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh. Tại ĐHQG Hà Nội, chỉ dành từ 20-30% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi ĐGNL cho các ngành đào tạo, còn lại 70% thí sinh thi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, cơ hội với thí sinh rất nhiều. Thực tế, chỉ những thí sinh muốn thi vào những trường, những ngành có tính cạnh tranh cao thì mới lựa chọn từ 1-2 kỳ thi.

Hiện nay trong dư luận có lo lắng về việc, các trường “nở rộ” kỳ thi riêng gây tốn kém cho các gia đình và xã hội. Theo quan điểm của GS, TS Nguyễn Tiến Thảo thì, để một kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, một sản phẩm thi chất lượng thì đội ngũ phải chuyên nghiệp, quy trình phải chuyên nghiệp, phải chuẩn hóa, theo bộ quy tắc nhất định.

Việc tổ chức các kỳ thi riêng là quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục ĐH nhưng ở đây cần vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc đánh giá và xem xét kỹ lưỡng, tránh những áp lực và tốn kém cho xã hội. GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, Bộ GD&ĐT cần giám sát và kiểm soát các tiêu chuẩn của các kỳ thi riêng.

“Thứ nhất, phải giám sát từ công tác chuẩn bị đề thi. Thứ hai, công tác tổ chức thi. Thứ ba, công tác chứng nhận kết quả thi. Cuối cùng, kiểm soát toàn bộ quá trình để xem kỳ thi đó có đạt yêu cầu hay không. Xa hơn nữa, sẽ theo dõi các thí sinh dự kỳ thi đó, theo học ở các bậc ĐH khác nhau, các chuyên ngành đào tạo khác nhau. Nếu thí sinh tốt nghiệp bằng kết quả của các nguồn tuyển sinh khác nhau, trong đó có kỳ thi riêng, tức là đáp ứng được chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo là những sản phẩm chất lượng, sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, ra trường làm đúng việc, thì đó là sản phẩm cuối cùng mà cần phải theo dõi cả một quy trình liên hoàn”, GS Thảo đề xuất.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.