Theo thông báo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ bản kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 sẽ được giữ ổn định như các năm trước, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Đây cũng có thể được coi là kỳ thi khép lại "chương trình cũ", bởi từ năm 2025, kỳ thi quan trọng này sẽ được đổi mới với quy chế phù hợp chương trình mới. Những thí sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 tới đây (và cả những năm trước đó) sẽ được tổ chức "thi lại" đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.
Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được Bộ ban hành sớm. "Các thí sinh cần lưu ý: Dù có thể trúng tuyển sớm ở một số trường đại học, nhưng vẫn chưa phải đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ. Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, ngành nào yêu thích nhất xếp lên trên. Việc đăng ký xét tuyển năm nay hoàn toàn trực tuyến, và hầu như không có thay đổi gì so năm ngoái" - bà Thủy nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Nhân Dân cuối tuần, nhiều trường đại học vẫn sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tới đây là một trong các phương án tuyển sinh, nên kỳ thi sắp tới vẫn được coi là khá quan trọng với mỗi học sinh lớp 12.
Sớm hơn kỳ thi tốt nghiệp, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đến nay, có hơn 70.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực, trong đó có hơn 65.000 thí sinh đã hoàn tất thủ tục nộp lệ phí thi. Ngoài ra, một số trường đại học cũng có các kỳ thi chuyên biệt. Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã công bố thông tin về kỳ thi của trường, với ba đợt thi: đợt một vào các ngày 29, 30, 31/3 (tại trường); đợt hai vào các ngày 1, 11/5 (tại tỉnh Long An) và đợt ba vào các ngày 21, 22, 23/5 (tại trường).
Trong khi đó, nhóm sáu trường gồm: Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Tài chính-Marketing và Học viện Ngân hàng vừa ký kết hợp tác về tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT).
Cùng với việc nghiên cứu, lựa chọn hình thức thi, xét tuyển, thời điểm này, các thí sinh cũng đang gấp rút quyết định ngành học, hướng đi cho mình.
Khu vực phía bắc, Trường đại học Ngoại thương dự kiến mở ngành Khoa học máy tính và ngành Kinh doanh quốc tế thuộc chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) tại Hà Nội; Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng dự kiến mở bốn ngành mới thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin - với quy mô tuyển sinh khoảng 50-100 chỉ tiêu mỗi ngành (đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư).
Liên quan vấn đề này, theo TS Lê Viết Khuyến, mặc dù các điều kiện, tiêu chuẩn để trường đại học mở các ngành và chuyên ngành mới hiện nay là rất chặt chẽ, nhưng vẫn cần phải siết chặt hơn nữa. Trong đó, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo.
Một lưu ý cũ nhưng vẫn luôn mới, thời điểm này, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin cơ sở đào tạo, quy chế thi cử, tuyển sinh, soi chiếu với nguyện vọng, sở thích và năng lực để lựa chọn đúng, trúng chuyên ngành phù hợp năng lực bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.
(Theo nhandan.vn)