Em Lê Tấn Đạt - vượt lên nỗi đau, quyết tâm học tập
Dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng những di chứng của chất độc da cam vẫn còn tồn tại qua nhiều thế hệ. Ðiều đáng ghi nhận, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam (NNCHDC) đã vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội. Trong số đó có em Lê Tấn Đạt (sinh năm 2001, ấp Quý Lợi, xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã nỗ lực vươn lên, thi đậu vào ngành Khoa học dữ liệu thuộc Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - là tấm gương giàu nghị lực vượt khó.
Em Lê Tấn Đạt sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cha và mẹ quanh năm vất vả làm thuê. Ông Lê Văn Ga (cha của Đạt) kể lại: “Khi sinh ra, Đạt đã mang trong người bệnh tật do bị nhiễm chất độc hóa học, chân bị teo cơ, không thể đi lại được. Mặc dù đã được đưa đi khắp nơi để chữa trị nhưng bệnh tình cũng không tiến triển. Lúc 9 tuổi, gia đình đưa cháu đi TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật gân, sau đó mới tập đi lại nhưng đi khập khiễng, 2 gối cong vẹo, phải chống nạn khi đi lại”.
Cơ thể và tứ chi yếu ớt khiến cậu bé ngày ấy tập mãi mà cũng không đứng được trên đôi chân của mình. Từ nhỏ, Đạt ao ước được đi học như các bạn cùng trang lứa nhưng luôn tự ti về ngoại hình của bản thân. Thương con, nên mỗi ngày, mẹ Đạt đều thức khuya dậy sớm, sắp xếp công việc, dành thời gian đưa con đến trường trong suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 12.
Nhìn lại chặng đường đã qua, em Đạt xúc động kể: “Sau lần phẫu thuật, em vận động vẫn còn khó khăn, sinh hoạt hằng ngày đều cần có sự giúp đỡ của cha mẹ. Không ít lần với suy nghĩ, bản thân không thể làm được gì cho gia đình, cho xã hội, em tưởng chừng như gục ngã trước mọi khó khăn. Nhưng trước sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè, em nhận thức được rằng tuy khuyết tật về cơ thể nhưng may mắn cho vẫn còn nhận thức được và suy nghĩ như bao nhiêu người bình thường khác. Với những ý nghĩ phải cố gắng trong học tập, phải cố gắng trong cuộc sống để vươn lên cho bằng những người bình thường trong xã hội, em bắt đầu tìm tòi, học hỏi sử dụng máy vi tính và các thiết bị thông minh, em nghiên cứu đọc sách, tài liệu, truy cập Internet…”.
Ngày mà Đạt có kết quả thi đậu vào đại học, không chỉ gia đình, người thân mà cả xóm vui như “mở hội”. Không ai có thể nghĩ rằng ở một vùng quê hẻo lánh lại có một thanh niên khuyết tật thi đỗ vào đại học - điều mà ngay cả nhiều người lành lặn chưa thực hiện được.
Vào đại học, Đạt được thầy cô của trường, các bạn chung phòng ký túc xá nhiệt tình hỗ trợ nên bản thân đã quên đi mặc cảm, tìm lại được niềm vui trong học tập. Trong thời gian học đại học, Đạt đã nhận được học bổng và hỗ trợ từ Quỹ học bổng VietSeeds (là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2011 với mục tiêu giúp đỡ các học sinh học khá, giỏi ở THPT và có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho các học sinh tiếp tục theo học đại học và thực hiện ước mơ của mình tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế) để thêm vững bước trên hành trình chinh phục ước mơ của mình. Trong hành trình đó, Đạt đã may mắn cùng các đồng đội dành được vị trí tốp 6 tại Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Khoa học dữ liệu” do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức.
Ngoài giờ học, Đạt còn chăm chỉ đi làm thêm, miệt mài học tập, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Hiện Đạt là nhân viên Nghiên cứu và Phát triển khóa học của Học viện Công nghệ MCI Việt Nam, tham gia xây dựng chương trình đào tạo phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu cho học viên; đồng thời, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Việt Nam.
Dù khó khăn vẫn còn trong ngôi nhà của ông Lê Văn Ga, nhưng sự vươn lên của người con trai - chàng sinh viên Lê Tấn Đạt, một tấm gương giàu nghị lực vượt khó đã giúp Đạt và những người thân trong gia đình em tiếp thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn, vững bước trong hành trình sắp tới của bản thân Đạt và gia đình.
LÊ QUANG HUY