Chủ Nhật, 21/04/2024, 13:29 (GMT+7)
.

Tuyển dụng giáo viên: Tháo gỡ từ chính sách

Bộ GD&ĐT đã đề xuất xây dựng chính sách tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm để dạy một số môn học trong Chương trình GDPT 2018.

Tiết dạy chuyên đề môn Nghệ thuật lớp 6 tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội).
Tiết dạy chuyên đề môn Nghệ thuật lớp 6 tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội).

Nhiều chuyên gia giáo dục đồng thuận chính sách này, đồng thời đưa ra một số vấn đề cần lưu ý để triển khai đạt hiệu quả.

* PGS.TS Nguyễn Trí - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (nay là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT): Giải pháp tình thế nhưng cần thiết và cấp bách

Giáo dục nước ta đang bước vào giai đoạn triển khai đại trà trên toàn quốc với Chương trình GDPT 2018. Có nhiều vấn đề mới đặt ra, khó khăn lớn nhỏ xuất hiện đòi hỏi quyết sách sáng tạo, kịp thời của các cấp quản lý giáo dục.

Xung quanh giải pháp “tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018” do Bộ GD&ĐT đề xuất, có thể thấy tình trạng thiếu giáo viên của nước ta không phải tới lúc này mới xuất hiện mà có từ nhiều thập kỷ. Có lúc chúng ta thiếu giáo viên cả ba cấp phổ thông và mầm non như ở thập kỷ 50, 60, 70, đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non, THCS và tiểu học còn kéo dài nhiều thập kỷ tiếp theo. Dần dần chúng ta mới bảo đảm đủ giáo viên các cấp học phổ thông ở hầu hết môn học.

Đến nay, tình trạng thiếu giáo viên còn tồn tại cục bộ ở một số địa phương, môn học phổ thông và cấp học mầm non. Để khắc phục tình trạng này, suốt sáu, bảy thập kỷ qua, Nhà nước và ngành Giáo dục phải thực hiện cùng một lúc hai giải pháp: Giải pháp cơ bản và cấp bách.

Giải pháp cơ bản là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, điều chỉnh số lượng đào tạo các loại hình giáo viên… trong trường sư phạm, hay khoa sư phạm. Giải pháp này đòi hỏi thời gian thực hiện dài nhưng tạo sự bền vững. Giải pháp cấp bách là các biện pháp quản lý có tác động tức thời nhằm giải quyết nhanh chóng khó khăn trước mắt; vì thế việc thực hiện không lâu dài và có điều kiện.

Chính vì trong lịch sử giáo dục, do Bộ GD&ĐT đã kết hợp khéo léo thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài khi giải quyết vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về giáo viên nên đã đưa ngành Giáo dục vượt qua nhiều thời kỳ thiếu giáo viên trầm trọng như thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60, cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80.

Đặc biệt, việc sử dụng các giải pháp tình thế và cấp bách để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng ở nửa cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, do đó bảo đảm thực hiện thành công một chủ trương lớn của Nhà nước là hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000…

Từ bài học trên, trước tiên, tôi đồng tình với việc đề xuất chủ trương tình thế rất kịp thời này của Bộ. Chủ trương này sẽ có tác động ngay trong một hai năm học trước mắt là bảo đảm cơ bản giáo viên các môn học đang thiếu, để Chương trình GDPT 2018 thực hiện được trên toàn quốc (ở cả vùng khó khăn) và ở ba cấp phổ thông.

Song song với các giải pháp này, tôi biết Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm, khoa sư phạm đổi mới công tác đào tạo, chú trọng đào tạo giáo viên các môn học còn thiếu. Nhờ thế trong vài năm nữa, sẽ có một thế hệ giáo viên được đào tạo cơ bản và chất lượng cao phục vụ các môn học trong Chương trình GDPT 2018, kể cả môn mới. Họ sẽ là lực lượng bổ sung và quyết định chất lượng giáo dục phổ thông theo Chương trình mới.

PGS.TS Nguyễn Trí.
PGS.TS Nguyễn Trí.

Tuy nhiên để giải pháp cấp bách này được thực hiện hiệu quả cao, tôi có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, theo Chương trình GDPT 2018, ngoài cấp THCS, THPT cũng có một số môn học trong tình trạng thiếu giáo viên như Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục an ninh và quốc phòng, Giáo dục kinh tế và pháp luật... Các năm trước, trường sư phạm chưa đào tạo giáo viên các môn học này, nên nhiều khả năng hiện nay chúng ta còn thiếu; tuy trước mắt có thể không trầm trọng như một số môn học ở cấp THCS.

Vậy nên chủ trương “tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018” không nên giới hạn thực hiện ở THCS mà cần mở rộng cả cấp THPT cho các loại hình giáo viên vừa nêu. Sự mở rộng đó có hai lợi ích. Thứ nhất, giải quyết một lúc tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở tất cả môn học thuộc mọi cấp học. Thứ hai, giúp giáo viên được tuyển vào dạy các môn nói trên hưởng chế độ chính sách (nhất là chế độ bồi dưỡng, hay đào tạo tiếp được quy định trong chủ trương này).

Thứ hai, cần phân rõ hai nhóm đối tượng. Nhóm được đào tạo ở trường cao đẳng sư phạm, hay khoa cao đẳng sư phạm có ngành đào tạo phù hợp với chức danh giảng dạy thì nên miễn cho họ chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Còn nhóm học ở các trường cao đẳng có nghiệp vụ tương ứng nhưng không phải trường hay khoa sư phạm (như các học viên trường cao đẳng nghệ thuật, cao đẳng nghề...) thì bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Sự phân biệt hai nhóm đối tượng này cần được rạch ròi trong “Đề cương dự thảo Nghị quyết về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”.

Thứ ba, tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT kiến nghị với các cấp có thẩm quyền có chế độ bồi dưỡng nâng cao trình độ đào tạo cho các đối tượng được tuyển dụng theo chủ trương này. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn và quan điểm nhân văn của Bộ về chủ trương vừa đề xuất.

Tuy nhiên, tôi xin kiến nghị thêm các nội dung sau để chủ trương vừa đề xuất được hoàn thiện. Một là, các cấp có thẩm quyền giao cho Bộ GD&ĐT chỉ đạo một vài trường hay khoa sư phạm bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…, để Bộ sớm cho phép mở các lớp bồi dưỡng nâng trình độ đào tạo chuẩn cho số giáo viên tuyển theo chủ trương này.

Hai là, khi giáo viên được tuyển dụng theo chủ trương trên đã được nâng trình độ đào tạo chuẩn theo quy định thì phải xếp lại bậc lương và hưởng các chế độ, chính sách như giáo viên môn học có trình độ tương ứng.

Tóm lại, tôi hoan nghênh chủ trương tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018. Tôi mong Bộ GD&ĐT xem xét giải quyết chủ trương này toàn diện và toàn vẹn, để khi phát sinh các vấn đề mới đã có ngay biện pháp giải quyết, không phải một lần nữa xin các cấp có thẩm quyền duyệt các biện pháp mới.

Tôi tin rằng, nếu nhanh chóng hoàn thiện chủ trương tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học, sẽ giúp ngành giải quyết một nút thắt quan trọng, góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

* Bà Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Quảng Trị), Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: Giảm lãng phí nguồn lực

Bà Hồ Thị Minh.
Bà Hồ Thị Minh.

Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng để dạy một số môn học trong Chương trình GDPT 2018 là cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai chương trình ở một số môn học, bao gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Hiện nay, chúng ta thiếu nhiều giáo viên tiểu học và THCS. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đã được đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và tham gia các khóa bồi dưỡng để nâng cao trình độ theo chuẩn quy định. Khi những đối tượng này được tuyển dụng sẽ giảm bớt sự lãng phí nguồn nhân lực đang có trong xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy, dù Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn từ 2022 đến 2026, nhưng các địa phương vẫn không tuyển đủ theo biên chế được giao. Một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn tuyển dụng, nguồn tuyển không đáp ứng yêu cầu và trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Nếu không kịp thời tuyển dụng, tình trạng thiếu giáo viên sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, Công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp; thường có xu hướng làm công việc khác thu nhập cao hơn. Do đó, tuyển dụng, hợp đồng giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân rất khó khăn.

Khi triển khai chính sách này, chúng ta cần lưu ý: Người được tuyển dụng phải cam kết học nâng cao trình độ đạt chuẩn theo quy định; cam kết công tác lâu dài trong ngành Giáo dục; tránh tình trạng được tuyển dụng xong lại bỏ hoặc chuyển qua vị trí khác. Bộ GD&ĐT đề xuất các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng có thể giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định từng cấp học và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành cũng là hợp lý.

* Ông Trần Kim Tự - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Cần thêm nhiều giải pháp

Ông Trần Kim Tự.
Ông Trần Kim Tự.

Tôi đồng tình với đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng để dạy một số môn học trong Chương trình GDPT 2018. Đây là giải pháp giải quyết tình thế (học sinh tăng, đào tạo không kịp, giáo viên thiếu...). Tuy nhiên, câu hỏi cũng đặt ra là: Giải pháp này thật sự căn cơ chưa?

Có lẽ, cần rà soát kỹ hơn và thêm nhiều phương án hơn. Theo đó, đầu tiên các cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT - nơi trực tiếp quản lý đội ngũ phải sử dụng tối đa nguồn hiện có; không bố trí đội ngũ này làm công tác kiêm nhiệm; thậm chí cần động viên, khuyến khích và dành kinh phí để họ dạy thêm giờ.

Cùng đó, có cơ chế hợp đồng những nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về chuyên môn, sức khỏe dạy môn thiếu giáo viên. Tăng cường công tác truyền thông đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh trong các trường đào tạo giáo viên; tránh có chỉ tiêu nhưng không tuyển đủ dẫn đến thiếu người dạy như hiện nay. Cải tiến công tác tuyển dụng, chú trọng vào chuyên môn, lấy đánh giá kết quả dạy thực tế làm trọng số trong tuyển dụng (vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ, đảm bảo quyền lợi học tập của người học).

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để động viên những thầy cô được tuyển dụng học tập nâng cao trình độ chuẩn (miễn học phí và có hỗ trợ tối thiểu như nhà giáo đương chức tham gia đào tạo nâng cao, hoặc như sinh viên sư phạm...). Phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, đặc biệt với những người chưa có chứng chỉ sư phạm. Nhóm này cần thời gian để học lấy chứng chỉ, trong khi thiếu giáo viên hiện hữu, không có thời gian chờ đợi. Có thể phải tính toán lại tác động (về ngân sách, thời gian) nếu cần có chính sách bổ sung...

Xin nhấn mạnh lại, hạ chuẩn tuyển dụng (trong một giai đoạn nhất định) phải đi kèm với công tác đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm lâu dài theo đúng Luật. Như trước đây, để phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều địa phương, nhất là miền núi, đã đào tạo giáo viên cấp tốc để đi dạy. Thầy cô vừa dạy, vừa học nghiệp vụ để đảm bảo chuẩn.

“Tôi cho rằng, những địa phương đang thiếu nhiều giáo viên, nguồn tuyển, trước mắt vẫn có thể vận dụng để tuyển người có trình độ cao đẳng sư phạm như trước đây. Lý do thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm vẫn đáp ứng tốt công việc khi được tuyển dụng. Thứ hai, lộ trình nâng chuẩn giáo viên kéo dài đến 2030; nếu cho phép tuyển mới giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, những đối tượng này vẫn có cơ hội để nâng chuẩn theo thời gian quy định.

Tuy nhiên, có một thực tế: Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm cách đây vài năm có hai lựa chọn: Đã học nâng cao trình độ để đáp ứng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; tìm kiếm công việc khác ngoài ngành Giáo dục. Vì vậy, kể cả việc hạ chuẩn để tuyển dụng thì số lượng thuộc đối tượng này cũng không còn nhiều. Do đó, điều cần nhất là Bộ GD&ĐT nhất quán trong quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên và có lộ trình rõ ràng trên căn cứ khoa học (khảo sát thực tiễn) để thực hiện”. - TS Trương Đình Thăng (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị)


(Theo giaoducthoidai.vn)


 

.
.
Tin đăng tìm việc làm tại hải phòng tại Vieclam24hCập nhập tin tuyển dụng nhanh chóng
.