.

Tiền Giang: Tăng tốc cho Kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Cập nhật: 09:49, 06/05/2024 (GMT+7)

Chưa đầy một tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ chính thức diễn ra. Một trong những điểm đáng chú ý cho kỳ tuyển sinh năm nay là tỉnh Tiền Giang tăng số lượng lớp 10 ở các trường THPT. Xác định kỳ thi là bước ngoặt quan trọng đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, chính vì vậy vào thời điểm này, học sinh lớp 9 đang tăng tốc ôn thi.

TĂNG SỐ LƯỢNG LỚP 10

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đa số các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Nếu như năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh tuyển 408 lớp 10 THPT thì năm học 2024 - 2025 sẽ tuyển 442 lớp 10, tăng 34 lớp so với năm học trước. Như vậy, nếu bình quân mỗi lớp 45 học sinh thì dự kiến toàn tỉnh sẽ tăng 1.530 học sinh lớp 10.

Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là vì năm nay tỉnh Tiền Giang dự kiến có trên 21 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS vào cuối tháng 5-2024, nhiều hơn năm trước khoảng 1.100 học sinh. Bên cạnh đó, năm nay, tỉnh Tiền Giang mới thành lập Trường THCS - THPT Giồng Dứa, năm học 2024 - 2025 sẽ tuyển sinh 6 lớp với 270 học sinh. Mặt khác, việc tăng chỉ tiêu lớp 10 THPT nhằm góp phần để ngành Giáo dục có thể thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị Quyết 27 ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh Tiền Giang, trong đó có chỉ tiêu huy động học sinh học THPT.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Ngọc Hân trong giờ học.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Ngọc Hân trong giờ học.

Theo đó, các trường tăng chỉ tiêu nhiều nhất là các trường thuộc khu vực phía Tây và Trung tâm của tỉnh. Cụ thể, TP. Mỹ Tho (tăng 8 lớp); huyện Châu Thành (tăng 6 lớp); huyện Cái Bè (tăng 4 lớp); TX. Cai Lậy (tăng 4 lớp); huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước (tăng 2 lớp). Các huyện, thành phố phía Tây của tỉnh Tiền Giang tăng ít, một số khu vực giữ chỉ tiêu tuyển sinh như năm ngoái; TP. Gò Công (tăng 3 lớp); huyện Chợ Gạo (tăng 2 lớp); huyện Gò Công Tây (tăng 1 lớp); huyện Gò Công Đông (tăng 2 lớp); huyện Tân Phú Đông không tăng chỉ tiêu.

Theo đánh giá của lãnh đạo các trường THPT, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 đối với một số khu vực của tỉnh là phù hợp với tình hình gia tăng dân số cơ học, từ đó góp phần giảm bớt áp lực tuyển sinh lớp 10, tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh trên địa bàn tỉnh trước tình trạng số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay tăng.

BÁM SÁT CẤU TRÚC ĐỀ THI

Theo Sở GD-ĐT, Sở đã có hướng dẫn chính thức về công tác tuyển sinh vào lớp 10 từ UBND tỉnh. Về cơ bản, kỳ thi năm nay vẫn giữ như những năm trước, theo đó thí sinh dự thi tiếp tục lưu ý 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, kỳ thi năm nay sẽ tiếp tục rút ngắn còn 2 ngày, trong tuần đầu tiên của tháng 6 (cụ thể ngày 5 và ngày 6-6). Thứ hai, về thời gian, môn Ngữ văn, Toán thời lượng 90 phút; môn Tiếng Anh thời lượng 60 phút.

VẪN CÒN CƠ HỘI NẾU KHÔNG ĐỖ LỚP 10

Mục đích của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là tiến hành lựa chọn, sàng lọc học sinh có năng lực có thể tiếp tục học tiếp ở bậc học THPT, góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau THCS. Nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang có từ 70 đến 75% học sinh được tuyển vào lớp 10. Số học sinh còn lại sẽ được phân luồng vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề hoặc tham gia vào thị trường lao động.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, trong năm 2024, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên và học viên; trong đó: 3.063 trình độ trung cấp, cao đẳng và 10.130 học viên trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó hỗ trợ đào tạo 4.000 lao động; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%, trong đó: tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.
Từ thực tế trên, các trường nghề sẽ là nơi “cứu cánh” cho các học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Tại đây, trong quá trình đào tạo, các em sẽ được miễn học phí, được đào tạo nghề và học bổ túc văn hóa phổ thông. Sau khoảng 3 năm, các em sẽ tốt nghiệp, vừa có được tấm bằng nghề, vừa có được Bằng tốt nghiệp THPT để có thể tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.

Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi sẽ kiểm tra học sinh chủ yếu ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để giúp giáo viên có định hướng ôn tập, Sở GD-ĐT đã gửi cấu trúc đề thi cũng như đề thi minh họa đến các trường THCS. Về cơ bản, nội dung đề thi các môn sẽ trong chương trình lớp 9 hiện hành.

Ở cấu trúc đề thi môn Ngữ văn sẽ có 2 phần chính: Đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Đề thi sẽ kiểm tra kiến thức học sinh ở mức độ biết (3 điểm); mức độ hiểu, vận dụng và vận dụng cao (7 điểm). Ở phần đọc hiểu sẽ cho một văn bản có thể nằm trong chương trình hoặc ngoài chương trình học mang yếu tố thời sự, phù hợp với học sinh lớp 9 để kiểm tra kiến thức văn bản, từ ngữ, ngữ pháp và khả năng lập luận của học sinh. Ở phần làm văn sẽ viết 1 đoạn văn nghị luận xã hội và 1 bài văn nghị luận văn học.

Về cấu trúc đề thi, môn Tiếng Anh sẽ gồm 40 câu trắc nghiệm ở phần chung (6 điểm) và phần riêng cho 2 chương trình Tiếng Anh hệ 7 năm, 10 năm (4 điểm). Ở phần chung sẽ ra những nội dung về dấu nhấn, phát âm, từ loại, ngữ pháp, từ vựng, các mẫu câu giao tiếp đọc hiểu đoạn văn… Ở phần riêng của chương trình Tiếng Anh hệ 7 năm và 10 năm, học sinh chỉ được chọn và làm 1 phần riêng, nếu làm hết cả 2 phần học sinh sẽ không được tính điểm.

Ở đề thi môn Toán sẽ thi theo hình thức tự luận. Nội dung đề thi sẽ có khoảng 6 bài toán kiểm tra kiến thức đại số cũng như hình học của học sinh như: Bài toán căn bậc hai, viết phương trình đường thẳng hoặc tìm tọa độ điểm, giao điểm; hệ thức Vi-et; giải bài toán bằng cách lập phương trình bậc hai hoặc hệ phương trình; hình học phẳng; hình học không gian…

TẬP TRUNG ÔN TẬP

Ngay đầu tháng 5, các trường đã tăng tốc ôn thi. Chiến lược được nhiều trường đưa ra là tăng cường các tiết ôn tập theo chủ đề, hướng dẫn kỹ năng, cho học sinh làm quen với từng dạng đề cụ thể ở từng môn thi. Đồng thời, các trường học đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để mỗi tối sẽ nhắc nhở, quan tâm đến con em mình trong khoảng thời gian ôn tập nước rút này.

Vừa thi xong học kỳ II, Trường THCS Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đã bắt tay ngay vào ôn tập cho học sinh thi tuyển vào lớp 10.  Học sinh của trường, chủ  yếu vào 2 Trường THPT Chợ Gạo và THPT Trần Văn Hoài. Để công tác ôn thi hiệu quả, nhà trường đã tiến hành sắp lớp và phân công những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn tập cho các em, hiện đang ôn tập 3 môn thi: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Nội dung ôn tập bám sát vào cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT, chú trọng phương pháp, đánh giá học sinh ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Còn với Trường THCS Đông Hòa, huyện Châu Thành, thầy Nguyễn Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với những học sinh khá, giỏi, nhà trường khuyến khích năng lực tự học, giáo viên sẽ định hướng, gợi mở các vấn đề nâng cao; còn đối với học sinh trung bình, yếu, nhà trường giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, phối hợp chặt chẽ với gia đình để kịp thời nhắc nhở, động viên các em trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Cô Võ Thị Phượng Linh, giáo viên Ngữ văn của trường cho biết: Ngữ văn là môn thi tự luận, mang tính chất đặc thù, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng của học sinh. Để làm được bài thi, yếu tố quan trọng là phải nắm kiến thức, phải học bài từ đó mới vận dụng, giải quyết vấn đề. Thời điểm hiện tại, các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống hóa kiến thức theo 3 phần: Môn Văn, Tiếng Việt và tập làm văn. Bên cạnh đó, học sinh cần thực hành viết đoạn văn, bài văn để từ đó phát hiện ra những lỗi về diễn đạt, câu từ để giáo viên kịp thời chỉnh sửa.

ĐỖ PHI

 

.
.
.