Tiền Giang: Tiếp tục triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đảng văn được Trung ương, Tỉnh ủy ban hành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện đúng chủ trương GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Trong đó, có thực hiện công tác phổ cập bậc tiểu học, THCS, xóa mù chữ người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Điển hình là Chỉ thị 10 ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn. Chỉ thị này đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phổ cập giáo dục THCS.
Thực hiện Chỉ thị 29 Bộ Chính trị, tỉnh Tiền Giang đầu tư cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường, lớp, trang bị các điều kiện, phương tiện phục vụ dạy và học. Ảnh: V. PHƯƠNG |
Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục thu được những kết quả quan trọng; cơ sở vật chất được củng cố và phát triển; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những tiến bộ nhất định. Chính vì thế, ngày 5-1-2024, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 29 ngày 5-1-2024 về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Để triển khai tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Kế hoạch 142 ngày 11-4-2024 thực hiện Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị.
Với mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả trong thực hiện, bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xóa mù chữ cho người lớn; tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội; đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai, quán triệt thực hiện:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn; đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Trong đó, các cấp, các ngành, địa phương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh giáo dục phổ thông của địa phương mình thời gian qua, đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huy động học sinh ra lớp, ngăn chặn học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng và công tác phân luồng học sinh sau THCS. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của gia đình và toàn xã hội đối với công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn.
Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường, lớp, trang bị các điều kiện, phương tiện phục vụ dạy và học. Trong đó, tiếp tục có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đầu tư xây dựng phòng học để phát triển mạng lưới, lớp mầm non theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; ưu tiên xây dựng đủ phòng học cho các xã nông thôn mới.
Thứ ba, thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nâng cao hiệu quả đào tạo các bậc học, thực hiện phổ cập giáo dục ở các cấp học. Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến, gắn với quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, công tác phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, xã hội. Chú trọng nâng cao vai trò chủ đạo, quản lý nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thiện các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về GD-ĐT; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.
MINH MINH