Thứ Tư, 08/05/2024, 11:32 (GMT+7)
.

Tuyển sinh đại học năm 2024: Thận trọng khi tham gia xét tuyển sớm

Đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã hoàn tất công bố đề án tuyển sinh ĐH năm 2024. Ngoài việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, hầu hết các trường có thêm một số phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng... Thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào các trường cần nghiên cứu kỹ các quy định, tiêu chí trong đề án tuyển sinh của các trường.
 

Cán bộ hướng dẫn học sinh Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: THANH HÙNG
Cán bộ hướng dẫn học sinh Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: THANH HÙNG

Thêm nhiều phương thức xét tuyển sớm

Năm 2024, lần đầu tiên Trường ĐH Y Dược TPHCM sử dụng phương án xét tuyển sớm qua việc tuyển sinh bằng điểm SAT (kỳ thi SAT do Tập đoàn College Board tại Mỹ sở hữu và được quản lý bởi tổ chức Educational Testing Service) cho hai ngành Y khoa và Răng hàm mặt, với 5% chỉ tiêu ở mỗi ngành. Với những ngành còn lại, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) sẽ phối hợp với 6 trường ĐH khu vực phía Bắc và phía Nam tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính phục vụ tuyển sinh năm 2024 (V-SAT). Các trường tham gia ký kết gồm: Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng. Theo thỏa thuận được ký kết, các trường ĐH có trách nhiệm chủ trì tổ chức kỳ thi V-SAT tại đơn vị với nhiều đợt thi trong năm; xây dựng phương án sử dụng kết quả chung của kỳ thi để tuyển sinh ĐH; thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm theo hợp đồng ký kết với trung tâm trong việc phối hợp tổ chức mỗi đợt thi.

Năm 2024, ngoài phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh khi đăng ký vào các trường quân đội có thêm hai phương thức xét tuyển mới. Phương thức thứ nhất là xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do các trường ĐH trong nước tổ chức. Trong đó, xét kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa 150) hoặc kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa 1.200). Phương thức thứ hai là xét tuyển dựa vào học bạ THPT đối với các thí sinh có điểm trung bình từ 7,0 trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên (riêng Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y không sử dụng phương thức này). Việc mở rộng phương thức xét tuyển của Bộ Quốc phòng nhằm tạo điều kiện để nhiều thí sinh có cơ hội học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Đặc biệt, năm nay thí sinh được tham gia xét tuyển tất cả các phương thức tuyển sinh.

Nắm rõ các mốc thời gian và quy định

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), năm nay, quy chế tuyển sinh vẫn giữ ổn định, không thay đổi so với năm trước. Bên cạnh đó, có những nội dung thuộc thẩm quyền của các trường ĐH khi xét tuyển. Có thể có những quy định cụ thể của các cơ sở đào tạo được cập nhật, thay đổi trong đề án tuyển sinh hàng năm của các trường, do vậy thí sinh cần theo dõi kỹ các đề án tuyển sinh, các thông tin cụ thể từ các trường. Ví dụ, ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội trước đây thông thường chỉ xét tuyển thẳng học sinh giải nhất, nhì môn Sinh thì vài năm trở lại đây bổ sung thêm môn Hóa; hoặc các trường có thể xem xét ưu tiên hay xét tuyển thẳng các học sinh đoạt giải nghiên cứu khoa học kỹ thuật (căn cứ vào nội dung các đề tài đoạt giải để ra quyết định có xét tuyển thẳng hay không).

Cán bộ hướng dẫn học sinh Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: THANH HÙNG
Cán bộ hướng dẫn học sinh Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: THANH HÙNG

Với thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào các trường, cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường công bố. Cùng với đó, thí sinh cần chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển mà bản thân có lợi thế, hoặc đã có nghiên cứu theo đuổi từ trước; chuẩn bị đúng các hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là khi các trường có tổ chức xét tuyển sớm).

“Tôi đặc biệt lưu ý, cho dù các em có tham gia xét ở các phương thức xét tuyển sớm và có kết quả là đã trúng tuyển thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó lên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, như vậy nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng”, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG TPHCM, việc tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển sớm ngày càng được nhiều trường sử dụng và mỗi trường có mỗi quy định, điều kiện, tiêu chí khác nhau. Do vậy, thí sinh khi chọn các phương thức xét tuyển sớm cần phải tìm hiểu thật kỹ các đề án tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, khi đã trúng tuyển ở những phương thức này, thí sinh phải tiếp tục xác nhận lại nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung theo mốc thời gian mà Bộ GD-ĐT quy định. Dù là xét tuyển vào ĐHQG TPHCM hay bất cứ trường ĐH nào trên cả nước thì thí sinh cũng phải thực hiện đúng quy định mà quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT đã quy định. Nếu thí sinh trúng tuyển sớm mà không thực hiện đăng ký xác định nguyện vọng đã trúng tuyển trên hệ thống thì sẽ bị loại dù bất kỳ lý do gì.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm 2023, thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 49,45% tổng chỉ tiêu. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển bằng điểm học bạ THPT chiếm 30,24%, thi ĐGNL và đánh giá tư duy chiếm 2,57%, xét tuyển thẳng theo đề án của các trường chiếm 2,32%, các phương thức khác (gồm 12 phương thức) chiếm 14,1%... Trong năm 2024, các trường cần tăng cường thông tin, hướng dẫn thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển sớm nắm rõ các quy định và mốc thời gian đăng ký xác nhận nguyện vọng trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT.

(Theo sggp.org.vn)
 


 

.
.
.