Kiểm định vì chất lượng
Kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ.
Ảnh minh họa ITN. |
Tham gia kiểm định không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và thúc đẩy cải tiến chất lượng liên tục, giúp các trường nâng cao uy tín, cạnh tranh, mà còn cung cấp thông tin minh bạch về chất lượng các chương trình, tạo niềm tin vào giá trị bằng cấp, thương hiệu nhà trường…
Theo Luật Giáo dục đại học, kết quả kiểm định chất lượng được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học đã đẩy mạnh phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, khai thác triệt để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong cải tiến nâng cao chất lượng, thực hiện tốt việc công khai giải trình với xã hội.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 31-5, cả nước có 269 cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá (chu kỳ 1); 111 cơ sở hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 2. Có 198 lượt (193 cơ sơ giáo dục đại học), 11 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài chu kỳ 1; 106 lượt (106 cơ sở giáo dục đại học), 1 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài chu kỳ 2. Tổng số có 193 cơ sở giáo dục đại học, 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định trong nước.
Được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài hiện Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học. Trong số này, 6 trường đại học đạt tiêu chuẩn HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp), 2 trường đạt tiêu chuẩn FIBAA (Quỹ kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế), 3 đơn vị đạt tiêu chuẩn AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN), 1 trường đại học đạt tiêu chuẩn QAA (The Quality Assurance Agency for Higher Education, Vương quốc Anh). Có 1 trường đạt cả hai tiêu chuẩn HCERES và AUN-QA.
Có thể thấy, số lượng cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày một tăng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động tích cực đến hệ thống. Có điều, số lượng cơ sở giáo dục được công nhận bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài còn khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu liên quan đến việc đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ, cơ sở vật chất... Không ít trường còn yếu trong quản lý chất lượng đào tạo do nhận thức hạn chế về vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; chưa chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất…
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần có cơ chế, động lực mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế đối với cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo. Cùng đó, không thể thiếu sự quan tâm, am hiểu nhất định về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục của lãnh đạo nhà trường.
Thiết lập, vận hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của cơ sở giáo dục và từng chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng là yếu tố quan trọng cốt lõi. Tuy nhiên, cần xác định rõ đầu tư là để phát triển có chất lượng, không phải chỉ để được công nhận từ tổ chức kiểm định. Bởi, bảo đảm chất lượng không xác định thời điểm hoàn thành mà là không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn và phát triển bền vững.
(Theo giaoducthoidai.vn)