Thứ Hai, 22/07/2024, 21:19 (GMT+7)
.

Năm học 2024 - 2025: Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Chiều 22-7, Hội nghị Giám đốc sở GD-ĐT năm 2024 được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP Hải Phòng. Thông tin tại đây cho thấy, ngành giáo dục chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023- 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền; điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...

Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) còn bất cập. Một số địa phương còn tình trạng thiếu trường, lớp; thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học. Việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018...

Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi tiến hành hội nghị.
Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi tiến hành hội nghị.

Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Việc quản lý các cơ sở giáo dục tư thục nói chung; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; cơ sở có yếu tố nước ngoài nói riêng của các sở GD-ĐT chưa tốt, bị động, không kịp thời phát hiện những bất cập. Nhiều cơ sở giáo dục tư thục được phê duyệt chương trình tích hợp không thực hiện đầy đủ Chương trình GDPT dẫn đến công tác quản lý các cấp gặp nhiều khó khăn...

Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương tới nay đã là năm thứ 11. Năm học 2024-2025 cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuẩn bị cho các nhiệm vụ 5 năm tiếp theo; là năm kết thúc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 lớp cuối cấp và đổi mới thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cho lớp 12 phù hợp với chương trình mới.

Năm học tới tiến hành tổng kết, đánh giá chặng đường đổi mới GDPT, giải quyết những tồn tại, khó khăn trước mắt và điều chỉnh chương trình phù hợp hơn; bước vào chặng đổi mới theo chiều sâu chất lượng thời gian sắp tới.

Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Đây cũng là năm ngành giáo dục đề đạt chính sách với Quốc hội, Chính phủ và triển khai thí điểm giáo dục mầm non mới, chuẩn bị các điều kiện để triển khai phổ cập giáo dục mầm non.

10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới cũng được Bộ GD-ĐT xác định. Đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

.
.
.