.

Tiền Giang: Cân nhắc chọn tổ hợp môn lớp 10

Cập nhật: 09:52, 31/07/2024 (GMT+7)

Sau khi vượt qua Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 căng thẳng, nhiều phụ huynh, học sinh lớp 10 lại băn khoăn khi lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, bởi chọn tổ hợp môn ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp trong 3 năm học THPT của học sinh. Chính vì thế, hơn ai hết, học sinh cần cân nhắc, tránh chạy theo số đông khi chọn tổ hợp môn.

HỌC SINH LỰA CHỌN MÔN HỌC

Năm học 2024 - 2025 là năm học cuối cùng ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT năm 2018 ở bậc THPT. Cũng giống như hai năm học trước, bên cạnh 8 môn học bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương và Lịch sử thì học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học, gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Buổi tư vấn chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 10 Trường THPT Cái Bè.
Buổi tư vấn chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 10 Trường THPT Cái Bè.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo Nguyễn Phúc Viễn, Chương trình GDPT năm 2018 được chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Thực tế hai năm học qua cho thấy, việc không bắt buộc học tất cả các môn học trong chương trình giúp giảm áp lực cho học sinh, từ đó phát huy năng lực, định hướng nghề nghiệp cho các em.

Nhìn lại việc chọn tổ hợp môn trong hai năm qua, thực tế học sinh có rất nhiều phương án để lựa chọn môn, tuy nhiên căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi trường sẽ xây dựng sẵn các tổ hợp môn, chủ yếu chia thành 2 nhóm: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để học sinh lựa chọn.

Nắm được tầm quan trọng đó, trong những ngày qua, bên cạnh việc tổ chức nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tư vấn chọn môn học cho phụ huynh và học sinh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn môn học, thầy Nguyễn Phúc Viễn cho biết: “Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn 4 môn; trong đó, có 2 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn.

Chính vì vậy, nếu chọn đúng và phù hợp tổ hợp môn với bản thân sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp của các em trong 3 năm học THPT”.

CÂN NHẮC, TÍNH TOÁN

Trước khi Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra, Trường THPT Trương Định (TP. Gò Công) đã tổ chức tư vấn cho phụ huynh, học sinh về các tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập của trường.

Năm học 2024 - 2025, nhà trường dự kiến mở 4 tổ hợp môn cho học sinh lớp 10, trong đó 3 tổ hợp Khoa học tự nhiên và 1 tổ hợp Khoa học xã hội. Trong 4 tổ hợp môn, học sinh được quyền chọn tối đa 3 nguyện vọng tổ hợp môn theo thứ tự ưu tiên để xếp lớp.

"Các trường cần lưu ý khi cho học sinh đăng ký các tổ hợp môn tự chọn, tất cả phải hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Với việc đăng ký tổ hợp môn, học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, phụ huynh nên trao đổi để biết mong muốn của con, không nên áp đặt trong việc lựa chọn tổ hợp môn, bởi đây là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tương lai, nghề nghiệp của các em sau này”.

TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT
 

Theo thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, trong tháng 8 này, nhà trường sẽ tiến hành họp phụ huynh và học sinh để chọn tổ hợp môn. Nguyên tắc sắp xếp lớp là nhà trường sẽ xếp 3 lớp giỏi căn cứ vào điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 và điểm cộng học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh, cấp huyện. Các lớp còn lại sắp xếp theo nhu cầu của học sinh đăng ký.

Trong trường hợp nhu cầu số lớp cao hơn số lớp trong phương án, nhà trường sắp xếp ưu tiên tổng điểm cao hơn và tiêu chí phụ như điểm Toán, Tiếng Anh cao hơn ở tổ hợp thuộc tổ hợp 1, 2, 3; điểm Ngữ văn và Tiếng Anh cao hơn ở tổ hợp 4. Trong trường hợp không đủ sĩ số, trường sẽ cân đối nhằm đảm bảo 45 học sinh/lớp, trong đó ưu tiên các học sinh có điểm thi cao hơn.

“Trong giai đoạn này chưa nhập học, có thời gian, học sinh cần suy nghĩ, lựa chọn đúng nguyện vọng, phục vụ đúng mục đích học tập. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho các em phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất khó khăn”, thầy Nguyễn Thanh Hải khuyên học sinh.

Theo quy định, việc lựa chọn môn học của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Thế nhưng trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT.

Như vậy, nếu chọn sai, học sinh vẫn được chọn lại tổ hợp môn. Nhà trường sẽ bố trí thời gian hè để học sinh học bổ sung những môn chưa được học ở lớp 10. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng các trường THPT, học sinh cần cân nhắc thật kỹ không nên chuyển đổi môn học trong suốt 3 năm học THPT, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bản thân.

Khi lựa chọn môn học, tổ hợp môn, học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên kết quả học tập bậc THCS. Từ đó, xác định rõ những môn mà bản thân học sinh có năng lực và những môn mình yêu thích, đam mê.

Đ.PHI

.
.
.