Thứ Hai, 01/07/2024, 10:34 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chặt chẽ, công bằng, khách quan

Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cùng với các địa phương, tỉnh Tiền Giang bắt đầu thực hiện các công đoạn chấm thi. Hội đồng chấm thi năm nay được đặt tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho). Theo dự kiến, ngày 17-7 sẽ công bố điểm thi đến với thí sinh (TS).

Sau 2 ngày diễn ra (27 và 28-6), Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Tiền Giang đã thành công tốt đẹp. Tỷ lệ TS dự thi các bài thi đạt trên 99,8%. Ngay sau khi tiếp nhận bài thi từ các điểm thi, hội đồng làm phách đã tiến hành làm phách các bài thi tự luận.

TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho.
TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho.

Ban làm phách phải được cách ly triệt để trong suốt quá trình tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi tự luận.

Ban làm phách được tổ chức thành vòng trong và vòng ngoài; trong đó, vòng ngoài gồm 2 bảo vệ, 2 công an, 1 y tế và 1 phục vụ. Việc giao các túi bài thi đã làm phách giữa Ban làm phách bài thi tự luận và Ban chấm thi tự luận được thực hiện theo phương án bàn giao nhiều lần đúng tiến độ chấm thi của Ban chấm thi.

Việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay huy động 19 người làm phách bài thi tự luận; 123 người chấm thi tự luận; 15 người chấm thi trắc nghiệm cùng với thanh tra chấm thi và lực lượng công an, bảo vệ, giám sát khu vực chấm thi. Khác với bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy, Ngữ văn là môn duy nhất chấm tự luận, giáo viên chấm bằng tay.

Việc chấm thi môn Ngữ văn được chấm 2 vòng độc lập, bởi 2 cán bộ chấm thi ở 2 tổ chấm khác nhau. Khi hoàn thành công tác làm phách, Ban chấm thi tự luận sẽ nhận bài thi. Ban chấm thi tự luận được tổ chức thành 4 tổ chấm, được điều hành bởi Trưởng môn chấm thi.

Trước khi cho cán bộ chấm thi bốc thăm túi bài thi sẽ chấm, mỗi tổ sẽ tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi. Sau đó, bài thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập.

Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ chấm thi sẽ kiểm tra từng bài, đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo những phần giấy trắng còn thừa do TS không viết hết trên giấy thi. Nếu phát hiện bài thi không đủ số tờ, phách hoặc TS làm bài trên giấy nháp, viết bằng hai màu mực, xuất hiện nét chữ của hai người cùng những bất thường khác, cán bộ chấm thi phải báo cáo và giao những bài thi này cho Tổ trưởng chấm thi, sau đó trình Trưởng môn chấm thi xử lý.

Khi chấm lần một, ngoài những nét gạch chéo trên phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi không được phép ghi ký hiệu gì lên bài làm của TS. Điểm thành phần, các nhận xét và điểm toàn bài được ghi trên phiếu chấm, ghi rõ họ tên và chữ ký của cán bộ chấm thi.

Sau khi chấm lần một, trong lần chấm thứ hai, việc chia các túi bài thi cũng thực hiện theo hình thức bốc thăm, đảm bảo không giao lại túi bài đã chấm cho chính người đã chấm lần đầu. Cán bộ chấm thi lần hai trực tiếp ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào bài làm của TS và trên phiếu chấm. Trưởng môn chấm thi tiếp nhận bài thi, phiếu chấm từ Ban Thư ký Hội đồng chấm thi và chỉ đạo các Tổ chấm thi thực hiện thống nhất điểm bài thi. Chỉ ghi điểm từng câu và tổng điểm toàn bài vào vị trí quy định trên tờ giấy thi sau khi đã thống nhất điểm.

Trong chấm bài thi tự luận, sẽ xuất hiện các tình huống vênh điểm giữa các cán bộ chấm thi, Quy chế thi quy định cách xử lý các tình huống cụ thể. Trường hợp xử lý kết quả 2 lần chấm: Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch hoặc lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 1 điểm, thì 2 cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm; cán bộ chấm thi lần chấm thứ hai ghi điểm; 2 cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của TS.

Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) từ 1 đến 1,5 điểm, thì 2 cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền để thống nhất điểm (không sửa chữa điểm trong phiếu chấm); cán bộ chấm thi lần chấm thứ hai ghi điểm; 2 cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của TS.

Nếu 2 cán bộ chấm thi không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lập biên bản quyết định điểm, ghi điểm và cùng 2 cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của TS.

Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,5 điểm: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của TS bằng mực màu khác.

Trường hợp xử lý kết quả 3 lần chấm: Nếu kết quả hai trong ba lần chấm giống nhau: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức rồi ghi điểm và cùng các cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của TS. Nếu kết quả ba lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm chính thức rồi ghi điểm và cùng các cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của TS.

Cũng theo quy chế, mỗi Hội đồng chấm thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh. Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm thi tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Còn việc chấm thi trắc nghiệm cũng sẽ được triển khai theo đúng quy chế chấm thi trắc nghiệm. Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Quy trình đưa ra 4 đĩa CD rất chặt chẽ. Mỗi bước trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo từng lô chấm. Các dữ liệu được quản lý chặt chẽ có camera an ninh giám sát, có công an trực bảo vệ xuyên suốt 24/24 giờ/ngày.

Đ. PHI

.
.
.