.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh giáo dục Tiền Giang

Cập nhật: 08:58, 23/08/2024 (GMT+7)

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, sự đồng thuận của nhân dân, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đề ra.

Nhìn lại chặng đường khó khăn đã qua, trong năm học 2024 - 2025, với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, toàn ngành sẽ không ngừng ra sức phấn đấu, triển khai các giải pháp căn cơ và đồng bộ để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT. 

BỨT PHÁ ĐỔI MỚI

Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 376/507 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 74,16%, trong đó bậc mầm non: 130 trường (69,15%), bậc tiểu học: 138 trường (87,34%), bậc THCS: 80 trường (65,04%) và bậc THPT: 28 trường (73,68%).

 Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thường xuyên đi cơ sở động viên, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Ảnh chụp tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang.                                                             Ảnh: PHI CÔNG
Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thường xuyên đi cơ sở động viên, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Ảnh chụp tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Toàn ngành hiện có 18.375 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục; có 8 tiến sĩ, 532 thạc sĩ, 9.565 đạt trình độ đại học. 

Chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét. Với bậc học mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú chiếm tỷ lệ 90%, tăng 1% so với năm học trước; 100% trẻ được theo dõi sức khỏe định kỳ; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo nhiều lan tỏa tích cực…

Có được những thành tựu nêu trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà”.

TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG

Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với các khối lớp. Bậc trung học tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 4 cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 với quyết tâm đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, việc thực hiện chương trình đã góp phần phát triển năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại.

Về công tác thi cử, trong tháng 6-2023, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế. Theo đánh giá, điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Tiền Giang khá cao. Cũng trong tháng 6, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tiền Giang đạt 6.902 điểm, tăng 0.182 so với năm 2023 (năm 2023 là 6,72 điểm), xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có 32 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%. Cũng trong năm 2024, kết quả thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia của tỉnh Tiền Giang đạt 46 giải (năm 2023 là 18 giải), xếp thứ Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh giỏi quốc gia.

NỖ LỰC CHUẨN BỊ CHO NĂM HỌC MỚI

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác GD-ĐT của tỉnh Tiền Giang vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như: Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong thời gian qua, tuy nhiên còn 131/507 trường cần tiếp tục được đầu tư để đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên các bộ môn mới trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học); một số địa bàn của tỉnh còn khó thu hút tuyển dụng giáo viên.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT trao đổi với học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Văn Phẩm, TX. Cai Lậy trong  năm học 2023 - 2024.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trao đổi với học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Văn Phẩm, TX. Cai Lậy trong năm học 2023 - 2024.

Để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, ngay sau khi kết thúc năm học, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với trên 8.700 phòng học; có trên 90% phòng học kiên cố.

Chung kết Chương trình “Đường đến vinh quang” lần thứ XIX diễn ra vào  ngày 25-8

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, ngày 25-8, Sở sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Viễn thông Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang tổ chức vòng Chung kết  Chương trình “Đường đến vinh quang” lần thứ XIII, năm học 2023 - 2024.

Buổi thi chung kết năm 2024 có sự góp mặt của 4 gương mặt: Hồ Thanh Vũ, học sinh Trường THPT Cái Bè, hạng Nhất quý I với 335 điểm; Hồ Vĩ Quốc, học sinh Trường THPT Chu Văn An, tỉnh An Giang, hạng Nhất quý II với 340 điểm; Phan Nguyễn Hoàng Khang, học sinh Trường THPT Cái Bè, hạng Nhất quý III với 255 điểm; Nguyễn Hoàng Đăng Khoa, học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang, hạng Nhì quý I với 310 điểm.

Thí sinh dự thi sẽ vượt qua 4 vòng thi: Xuất phát, Ra khơi, Vượt sóng và Vinh quang. Cơ cấu giải thưởng năm nay gồm: Giải Nhất 200 triệu đồng, giải Nhì 100 triệu đồng, giải Ba 50 triệu đồng. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang.

Cùng với đó, ngành Giáo dục đã thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như: Cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT năm 2018. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.

Công tác quan trọng tiếp theo là ngành sẽ tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Năm học 2023 - 2024 đã kết thúc. Những kết quả mà ngành GD-ĐT Tiền Giang đạt được đã khẳng định những bước đi vững chắc, giải pháp hữu hiệu mà toàn ngành thực hiện trong thời gian qua. Trong năm học 2024 - 2025, với những giải pháp căn cơ và đồng bộ, toàn ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

ĐỖ PHI

.
.
.