Tập trung trí tuệ, đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 - 2025
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, trọng tâm là tổ chức, triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nâng chất lượng GD-ĐT ở các bậc học.
Để hiểu hơn về những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trong năm học mới 2024 - 2025, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có những thông tin xoay quanh vấn đề này.
* TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT LÊ QUANG TRÍ: Quyết tâm cho năm học mới
Năm học 2024 - 2025 là năm học mà ngành GD-ĐT hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính vì vậy, toàn ngành sẽ tập trung vào việc thực hiện tốt triển khai Kết luận 91 ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Trong năm học mới này, toàn ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học, bảo đảm nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên. Cùng với đó, toàn ngành GD-ĐT sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu, tập trung cho việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho các em học sinh. Ngành sẽ quan tâm nâng chất đội ngũ thầy cô giáo trong toàn ngành, không chỉ là chuyên môn nghiệp vụ, mà còn tập trung đào tạo đội ngũ thầy cô giáo về tư tưởng, kỹ năng để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh như mong đợi của phụ huynh và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
* BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN: Đưa Chỉ thị 05 lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành
Năm học 2024 - 2025, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tập trung triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với 2 bậc học THCS và THPT. Bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, toàn ngành GD-ĐT sẽ nỗ lực thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để đạt hiệu quả thiết thực, trên tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, ngành GD-ĐT sẽ triển khai việc học tập và làm theo Bác gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành, nổi bật là Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Từ đó, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cán bộ, giáo viên, học sinh, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành GD-ĐT.
* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT HUỲNH THỊ PHƯỢNG: Nâng chất bậc học mầm non và tiểu học
Với bậc học mầm non, trong năm học 2024 - 2025 sẽ nỗ lực tăng tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp; duy trì tỷ lệ huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; tiếp tục thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.
Ở bậc học tiểu học, tiếp tục củng cố hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất theo hướng giảm dần các điểm trường lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 ở tất cả các lớp học ở cấp tiểu học. Ngoài ra, ở bậc tiểu học sẽ triển khai nghiêm túc việc tổ chức dạy học tích hợp các nội dung giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, giáo dục chăm sóc sức khỏe răng miệng, chăm sóc mắt cho học sinh…
* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT VÕ VĂN HIẾU: Đổi mới công tác thi cử, đánh giá học sinh
Trong năm học 2024 - 2025, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thành công tác tự đánh giá chất lượng đối với các trường mầm non, phổ thông hằng năm theo quy định để đảm bảo công khai, minh bạch các điều kiện và cam kết, chịu trách nhiệm về điều kiện đảm bảo chất lượng GD-ĐT.
Tập trung đánh giá công nhận chất lượng giáo dục đảm bảo đúng thực chất và tổ chức tốt kỳ thi học sinh giỏi các cấp và Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Ngoài ra, toàn ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD-ĐT; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong GD-ĐT.
Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành GD-ĐT.
11 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CHO NĂM HỌC MỚI 2024 - 2025 Thứ nhất, là triển khai Kết luận 91 ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thứ hai, là toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Thứ ba, là đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thứ tư, là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thứ năm, là phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Thứ sáu, là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thứ bảy, là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học. Thứ tám, là tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thứ chín, là đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Thứ mười, là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. Và cuối cùng, là tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành. |
ĐỖ PHI