Thứ Ba, 20/08/2024, 11:09 (GMT+7)
.

Vì sao thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học

Đến ngày 19/8, cả nước có hơn 160 trường đại học công bố điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, điểm chuẩn có nhiều biến động, thậm chí, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không có cơ hội trúng tuyển đại học và trở thành câu hỏi lớn trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Biến động điểm chuẩn ngành sư phạm  

Điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động, đặc biệt các ngành tuyển tổ hợp Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý có mức điểm chuẩn cao chót vót. Không ít ngành, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn không đỗ nguyện vọng đã đăng ký, thể hiện rõ nhất với ngành sư phạm.

Năm 2024, điểm chuẩn các ngành học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29, gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý. Trong đó, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử 28,42 điểm). Như vậy, bình quân mỗi môn thí sinh đạt 9,76 điểm vẫn bị trượt nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích. So với năm ngoái, ngành Sư phạm Lịch sử tăng 0,88 điểm, còn ngành Sư phạm Ngữ văn tăng 1,47 điểm.

Với ngành Sư phạm Âm nhạc có mức điểm chuẩn là 24,05 điểm, trong khi mức điểm chuẩn năm ngoái là từ 18,5 - 19,55 tùy theo tổ hợp.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có tổ hợp C00 cũng là khối xét tuyển có điểm chuẩn cao nhất trường. Dẫn đầu là ngành Báo chí với 28,8 điểm, tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33. Ngành Văn hóa học, Nghệ thuật học, Lịch sử cũng lấy trên 28 điểm.

Học viện Ngoại giao có 8 ngành tuyển tổ hợp C00 đều có điểm chuẩn khối C trên mức 28 điểm.

Trường Đại học Luật Hà Nội điểm chuẩn cao nhất là khối C00 ngành Luật kinh tế, với 28,85 điểm; Luật 28,15 điểm, cao hơn các tổ hợp khác dù cùng ngành.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nhìn chung điểm trúng tuyển vào khối ngành sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ riêng điểm chuẩn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Việc điểm chuẩn tăng là chính sách của Đảng và Nhà nước về cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí đã thu hút số lượng sinh viên vào ngành sư phạm ngày càng đông.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm có hạn, trong khi số lượng thí sinh xét tuyển tăng mạnh. Do đó, thí sinh phải có điểm cao mới có thể trúng tuyển, đây cũng là dấu hiệu tích cực.
   

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chính sách tuyển thẳng những em đạt học sinh giỏi quốc gia. Năm qua, trường có khoảng 300 em học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành, trong đó có một số ngành thuộc khối xã hội. Với những trường hợp như vậy, đương nhiên các em sẽ được tuyển thẳng. Điều này khiến cho tỷ lệ cạnh tranh vào trường căng thẳng hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường đại học tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, các thông tin về ngành, trường ngày càng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm.

Về điểm chuẩn khối C tăng cao, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không trúng tuyển nhiều ngành, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT cũng có đánh giá ngay từ đầu khi so sanh phổ điểm hai năm qua. Cụ thể, so với năm 2023, phổ điểm năm 2024 có nhích lên, điều này đã được dự báo trước. Việc điểm chuẩn khối C có vẻ tăng mạnh hơn cũng cho thấy sự cạnh tranh ở các ngành, trường có uy tín chất lượng ngày càng rõ hơn. Điểm chuẩn vào các trường sư phạm tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ có sự phân tích kỹ để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Bình thường, nếu các phương thức bảo đảm công bằng sẽ không vấn đề gì. Nếu thí sinh không trúng tuyển phương thức này, thì trúng tuyển phương thức khác. Chỉ sợ không đảm bảo công bằng, có thể với một số phương thức, thí sinh được tuyển với mức điểm xét tuyển nào đó dễ dàng hơn. Điều này, Bộ GD&ĐT sẽ phải phân tích kỹ lưỡng, tùy ngành tùy trường”.

Theo TTXVN

 

.
.
Theo học ngành phien dich tieng han tại Đại học Duy Tân
.