Quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo
(ABO) Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tích cực chăm lo cho giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Nhờ đó, sự nghiệp GD-ĐT của huyện nhà đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Xác định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT.
Toàn ngành GD-ĐT huyện Cái Bè đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của ngành GD-ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch nhiệm vụ từng năm học, nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ giáo dục được giao.
Trường Tiểu học - THCS Hậu Mỹ Phú được đầu tư, quan tâm xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. |
Với đặc điểm địa bàn rộng lớn, với nhiều trường học, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành GD-ĐT huyện đưa ra là sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục..., ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa trường lớp, đạt chuẩn cơ sở vật chất tất cả các bậc học trên địa bàn huyện. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả đã được Huyện ủy Cái Bè cụ thể hóa bằng Đề án 02 và Kế hoạch 133 của UBND huyện Cái Bè để triển khai thực hiện. Kết quả, tổng số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trước khi sắp xếp có 82 đơn vị, hiện còn 68 đơn vị, đã giảm 14 đơn vị.
Bên cạnh đó, vấn đề tập trung đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chính là một định hướng sát thực tế, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đối với sự nghiệp GD-ĐT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trên địa bàn huyện được đầu tư, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm thực hiện. Đối với 24 xã trên địa bàn huyện, có 68 trường công lập từ bậc mầm non đến trung học cơ sở (THCS). Hiện tại, 68/68 (tỷ lệ 100%) trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức tối thiểu trở lên; 44/68 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 64,71%; trong đó bậc mầm non 17 trường, tỷ lệ 64%; tiểu học 17 trường, tỷ lệ 83%; THCS 10 trường, tỷ lệ 43,47%.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2024, bằng các nguồn vốn, huyện Cái Bè đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 31 trường học, trong đó mầm non 15 trường, tiểu học 5 trường, THCS 11 trường, tổng kinh phí 983 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vận động.
Trường Tiểu học và THCS Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 1.000 học sinh trên địa bàn xã. Trường được xây dựng mới trên diện tích hơn 8.000 m2 với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng gồm: Khối lớp THCS và hành chính với diện tích 520 m2, gồm 1 trệt, 3 lầu; khối lớp tiểu học gồm 461 m2, gồm 1 trệt, 3 lầu; khối hành chính và bộ môn với diện tích 425 m2, gồm 1 trệt, 3 lầu; nhà đa năng với diện tích 684 m².
Cô Lê Thị Kịp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở ngôi trường mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trong thời gian tới, trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, triển khai và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, tăng cường đổi mới công tác quản lý. Đồng thời, trường tiếp tục quan tâm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua công tác vận động các nhà hảo tâm; các thầy, cô giáo, học sinh đoàn kết, không ngừng nỗ lực trong dạy và học, quyết tâm xây dựng trường trở thành địa chỉ tin cậy của người dân địa phương”.
TẬP TRUNG CHO NĂM HỌC 2024 - 2025
Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD-ĐT huyện Cái Bè cũng gặp không út khó khăn nhất định như cơ sở vật chất của một số trường chưa được chỉnh trang kịp thời, bị xuống cấp; tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn…
Học sinh Trường THCS thị trấn Cái Bè trong giờ học. |
Để triển khai Chương trình GDPT năm 2018, cùng với việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, huyện Cái Bè đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nếu như, những năm 2013, 2014, toàn huyện có 2.518 cán bộ giáo viên nhưng chỉ có 45 giáo viên có trình độ sau đại học, tỷ lệ 1,78%; trình độ giáo viên đạt chuẩn có 87%, trên chuẩn 67%. Đến nay, số lượng cán bộ, viên chức hoạt động trong ngành GD-ĐT huyện có 2.704 cán bộ, viên chức; trong đó, trình độ sau đại học 125 người, tỷ lệ 4,6%; đại học 2.054 người, cao đẳng 311 người, trung cấp 217 người; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 80%, tăng 13% so với năm 2013.
Cùng với đó, năm học 2024 - 2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT huyện là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở các lớp 5, 9. Bậc giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng…
Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cái Bè Phạm Hùng Thái, về những nhiệm vụ phát triển GD-ĐT trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm học 2024 - 2025 này, ngành GD-ĐT sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản.
Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới và hệ thống giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất.
Thứ ba, đổi mới quản lý, thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Thứ năm, đổi mới căn bản phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan; cùng với đó, ngành GD-ĐT huyện sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục và chủ động hội nhập quốc tế…
ĐỖ PHI - T.T