Thứ Hai, 02/09/2024, 14:18 (GMT+7)
.

Năm học 2024 - 2025: Nhiều kỳ vọng cho năm học mới

Năm học 2024 - 2025 đã chính thức bắt đầu tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Sau khi cho học sinh tựu trường, các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tất bật chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học diễn ra vào ngày 5-9 tới đây.

Với chủ đề năm học 2024 - 2025 “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học mới đã sẵn sàng với nhiều kỳ vọng của toàn xã hội đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về một năm học đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT.

CHUẨN BỊ CHO NGÀY KHAI GIẢNG

Hơn một tuần qua, 507 CSGD từ bậc mầm non đến THPT đã đồng loạt tổ chức đón học sinh tựu trường. Ghi nhận tại hầu hết các CSGD cho thấy, các CSGD đã cho học sinh trở lại trường an toàn, vui tươi. Trong những buổi học đầu tiên, học sinh phổ thông được các thầy, cô phổ biến nội quy trường lớp, bầu ban cán sự lớp, sinh hoạt các chủ đề an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe tuổi vị thành niên…

 Buổi sinh hoạt đầu năm tại Trường THPT Trương Định, TP. Gò Công.
Buổi sinh hoạt đầu năm tại Trường THPT Trương Định, TP. Gò Công.

TP. Mỹ Tho là một trong những địa phương có số lượng CSGD và học sinh đông của tỉnh Tiền Giang. Năm học mới này, toàn thành phố có 61 CSGD ở 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và THCS. Thực hiện kế hoạch năm học 2024 - 2025, vào ngày 22-8, học sinh lớp 1 khối tiểu học trên địa bàn thành phố tựu trường và ngày 29-8, trẻ mầm non, học sinh các bậc học khác cũng đã tựu trường cho năm học mới.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng, các trường học đã có nhiều ý tưởng hay và vui nhộn để đón trẻ mầm non và học sinh các cấp trở lại trường, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tạo không khí hân hoan cho toàn thể học sinh, giúp học sinh có tâm lý thoải mái để tham dự lễ khai giảng và sẵn sàng bước vào năm học mới.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 phải đảm bảo thiết thực, an toàn và tiết kiệm; phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng. Riêng CSGD mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Các hoạt động ngày hội chào đón học sinh đầu cấp và chào đón năm học mới phải phù hợp văn hóa ứng xử trong trường học, phù hợp lứa tuổi học sinh, văn hóa truyền thống dân tộc và điều kiện nhà trường.

Những ngày qua, thầy và trò Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho đang nỗ lực hoàn tất các khâu chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học mới. Cơ sở vật chất, cảnh quan trường học được tôn tạo, sửa chữa khang trang, sạch đẹp.

“Sau khi đón học sinh tựu trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ Khai giảng vui tươi, trang trọng và ý nghĩa. Giáo viên, học sinh đã chuẩn bị tập dượt, lên kịch bản nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi cho ngày khai giảng” - Phó Hiệu trưởng nhà trường Võ Huỳnh Phương Thảo cho biết.

Với bậc học mầm non, các trường mầm non trên địa bàn thành phố cũng đang nô nức chuẩn bị Ngày hội “Bé vui đến trường” chào mừng năm học mới. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: “Với bậc học mầm non có đặc thù nhất định, chính vì thế công tác chuẩn bị cho công tác khai giảng cũng hết sức chu đáo, tạo ấn tượng sâu đậm đối với trẻ.

Các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong buổi lễ khai giảng phải làm sao cho trẻ thật sự cảm nhận được hết ý nghĩa của ngày hội đến trường. Bằng sự sáng tạo và tỉ mỉ, các lớp học đã được trang trí, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới”.

Còn tại Trường THPT Trương Định, TP. Gò Công những ngày qua cũng đã tổ chức nhiều hoạt động đón trên 1.800 học sinh của trường đến trường. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Bên cạnh tổ chức sinh hoạt tập trung đầu năm, trường đã tổ chức cho học sinh rất nhiều hoạt động như tham quan phòng truyền thống của trường; tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên… Cùng với đó là nhanh chóng triển khai thật tốt cho các hoạt động được diễn ra trong ngày khai giảng tới đây”.

3 VẤN ĐỀ LỚN CHO NĂM HỌC MỚI

Năm học 2024 - 2025, học sinh từ lớp 1- 12 sẽ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Đây sẽ là năm học của sự sáng tạo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn nhất định, chính vì vậy, ngành Giáo dục cần có phương án tính toán, đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng GD-ĐT.

Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho trong những ngày đầu tựu trường.
Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho trong những ngày đầu tựu trường.

Vấn đề lớn thứ nhất là, cùng với các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Theo đó, tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên các bộ môn mới trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 như: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học; một số địa bàn của tỉnh còn khó thu hút tuyển dụng giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh và các địa phương đã gấp rút tuyển dụng bổ sung nguồn giáo viên.

Theo đó, Sở GD-ĐT cũng đã có thông báo tuyển dụng 242 giáo viên, nhân viên cho các đơn vị trực thuộc. Cùng với đó, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo kế hoạch. Nhiều địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao như: Huyện Chợ Gạo: 172 chỉ tiêu; huyện Cái Bè: 140 chỉ tiêu; TP. Mỹ Tho: 117 chỉ tiêu…

Vấn đề lớn thứ hai là, cùng với đội ngũ giáo viên, vấn đề cơ sở vật chất cũng là mối quan tâm. Tại một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới, một số điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, một số CSGD còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị; vẫn còn không ít các phòng học đã xuống cấp nhưng chưa được xây mới, bàn ghế cũ, hư hỏng… Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh còn 131 trường cần đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Vấn đề lớn thứ ba là, toàn ngành sẽ tập trung triển khai Chương trình GDPT năm 2018 ở các bậc học. Đây được xem là nhiệm vụ căn cơ, cốt lõi mang tính chất quan trọng cho năm học mới này. Chính vì vậy, trong quá trình dạy và học, các CSGD cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…

Năm học mới bắt đầu, trong niềm phấn khởi và hân hoan, tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ gặt hái nhiều thành công trong năm học 2024 - 2025.

ĐỖ PHI

.
.
.