Thứ Tư, 25/09/2024, 10:36 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Định hướng các kỳ thi học sinh giỏi theo Chương trình GDPT mới

Năm học 2024 - 2025, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 được áp dụng với toàn bộ các khối lớp. Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh sẽ có sự thay đổi để phù hợp với từng bậc học, đặc biệt là với các môn tích hợp bậc THCS. Hiện tại, ngành Giáo dục đang nỗ lực chuẩn bị các định hướng cho các kỳ thi học sinh giỏi sắp tới.

Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT năm 20218 được triển khai cuốn chiếu với 3 lớp cuối cấp là lớp 5, 9 và 12. Trong đó, lớp 9 và 12 đặc biệt quan trọng, bởi liên quan đến các kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi chọn HSG. Với sự thay đổi về môn học trong Chương trình GDPT năm 2018, việc tổ chức thi HSG lớp 9 sẽ có sự khác biệt so với trước đây.

Tiền Giang đang nỗ lực định hướng chuẩn bị các kỳ thi HSG theo Chương trình GDPT năm 2018 (ảnh chụp tại Trường  THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).
Tiền Giang đang nỗ lực định hướng chuẩn bị các kỳ thi HSG theo Chương trình GDPT năm 2018 (ảnh chụp tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có dự thảo cấu trúc đề thi chọn HSG cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, trong đó đáng chú ý là bậc THCS. Theo đó, tổ chức Kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh THCS từ năm học 2024 - 20025 sẽ thi 7 môn thay vì 10 môn thi như trước đây, trong đó gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học.

Trong đó, bài thi Khoa học tự nhiên, nội dung đề thi gồm 8 câu trải dài từ chương trình lớp 6 đến lớp 9 gồm 4 phần: Mở đầu và các phép đo (2 điểm); phần Hóa học (6 điểm), Vật lý (6 điểm) và Sinh học (6 điểm).

Các chủ đề, nội dung trong đề thi phải đảm bảo đủ các thành phần của năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, theo mức độ tư duy được quy định trong Chương trình GDPT năm 2018 với tỷ lệ: 35% biết, 35% hiểu và 30% vận dụng.

Theo Sở GD-ĐT, với mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT, hướng đến người học thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn ở từng bộ môn, Sở đã tiếp thu các ý kiến từ giáo viên và lắng nghe phản hồi từ nhà trường để sớm xây dựng dự thảo đề cương về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, Kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2024 - 2025. Sau khi xây dựng dự thảo phương án, ngành GD-ĐT trình UBND tỉnh xin ý kiến phê duyệt để thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới.

Dạy và học theo Chương trình GDPT năm 2018 ở bậc THCS đã được triển khai trong hơn 3 năm qua. Mặc dù ngành Giáo dục đã có chủ động trong việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp, song hiện nay nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy ở các bộ môn này; đồng thời, vẫn còn lúng túng trong công tác bồi dưỡng HSG ở các môn tích hợp.

Thầy Nguyễn Minh Huy, giáo viên dạy Khoa học tự nhiên ở TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Công tác bồi dưỡng HSG đòi hỏi cần có sự chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết giáo viên ở các trường đều chuyên sâu một chuyên ngành, có thế mạnh dạy một bộ môn đã nhiều năm.

Dù các giáo viên này đã qua các lớp bồi dưỡng nhưng vẫn khó có thể đủ kiến thức sâu để dạy bồi dưỡng HSG. Lớp 6, 7 còn tương đối dễ nhưng với lớp học cao hơn từ lớp 8 trở lên, thì hiệu quả không đạt như mong muốn vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu. Đó là chưa kể, không phải học sinh nào cũng có lợi thế tất cả kiến thức trong môn tích hợp”.

Để chuẩn bị cho các kỳ thi HSG theo chương trình mới, năm học 2024 - 2025, các trường THCS đã chủ động chọn đội tuyển ở các môn học ngay từ những năm học trước và nhanh chóng đưa vào triển khai bồi dưỡng HSG.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, thông qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong nhà trường, các giáo viên dạy HSG cần phải tích cực tham gia xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với yêu cầu của kỳ thi HSG đặt ra.

Trong đó, giáo viên cần xác định những năng lực có thể phát triển cho HSG trong mỗi chủ đề; biên soạn câu hỏi, bài tập, đề thi để đánh giá năng lực của HSG trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để nhờ giáo viên có kinh nghiệm dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm...

Theo Sở GD-ĐT, các kỳ thi HGS là giải pháp góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Do đó, các trường cần quan tâm, đầu tư để phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tổ chức tốt kỳ thi HSG các cấp để lựa chọn tham gia kỳ thi cấp tỉnh.

V.PHƯƠNG

.
.
.