Tiền Giang: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học
Năm học mới lại bắt đầu, bên cạnh niềm vui tựu trường, nhiều phụ huynh học sinh cũng quan tâm đến các khoản thu đầu năm học, trong đó có các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận hoặc không được phép thu. Cùng với việc triển khai công tác giảng dạy, công tác bán trú tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi vào nền nếp.
NHÀ TRƯỜNG ĐƯỢC THU KHOẢN NÀO?
Trong đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đều tổ chức các cuộc họp với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh để có những chỉ đạo, thông báo về các khoản thu theo đúng quy định.
Học sinh tự tin bước vào năm học mới. Ảnh chụp tại Lễ Khai giảng Trường Tiểu học Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè. |
Ngành GD-ĐT tỉnh nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa các khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Học phí là một trong những khoản thu mà người học phải đóng cho nhà trường theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ.
HĐND tỉnh Tiền Giang đã thông qua Nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024 - 2025.
Theo đó, đối với cấp học mầm non học trên địa bàn phường, thị trấn thì mức học phí là 133.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã là 66.000 đồng/học sinh/tháng; đối với bậc THCS trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 44.000 đồng/học sinh/tháng; đối với bậc THPT trên địa bàn phường, thị trấn là 99.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 66.000 đồng/học sinh/tháng.
Bên cạnh việc thu học phí thì các trường được thu hộ bảo hiểm y tế. Theo đó, từ ngày 1-7-2024, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại học sinh, sinh viên tự đóng 70%). Phụ huynh học sinh có thể đóng bảo hiểm y tế một lần hoặc đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng.
Ngoài khoản thu trên, theo Điều 9 Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, các trường được phép thu tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu. Bên cạnh đó, các trường còn được phép thu dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú; dịch vụ công tác vệ sinh lớp học; dịch vụ giáo dục mầm non ngoài giờ; dịch vụ dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với bậc trung học…
Các khoản thu này được các trường chỉ đạo tiến hành thực hiện khi đã ổn định biên chế lớp học, thông báo rộng rãi, công khai và được sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, minh bạch với phụ huynh học sinh. Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, đúng mục đích và tiết kiệm.
CÁC KHOẢN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THU
Bên cạnh những khoản thu được cho phép thì theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của Ban Đại diện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết: "Trong các cấp học, mầm non có số lượng trường bán trú đông nhất. Trong mỗi năm học, về phía góc độ chuyên môn đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các trường, đặc biệt là các trường có tổ chức bán trú không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi… Tất cả trên tinh thần đảm bảo an toàn, khỏe mạnh cho trẻ mầm non". |
Theo Sở GD-ĐT, ngay sau khi năm học mới bắt đầu, các CSGD, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của CSGD thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định 127 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học; chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ theo đúng quy định tại Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT; thực hiện công khai thông tin về CSGD, thu, chi tài chính, điều kiện đảm bảo chất lượng hoạt động giáo dục, kế hoạch và kết quả hoạt động giáo dục theo Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT.
ĐƯA CÔNG TÁC BÁN TRÚ ĐI VÀO NỀN NẾP
Ngay sau khi khai giảng, các CSGD trên địa bàn tỉnh đã bước vào tuần lễ học tập đầu tiên. Cùng với công tác dạy và học, các trường mầm non, tiểu học cũng đã triển khai công tác bán trú năm học 2024 - 2025. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 208 CSGD có bếp ăn tập thể, trong đó có 178 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 29 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường THCS.
Đối với TP. Mỹ Tho là địa phương có số trường tổ chức bán trú khá đông, cụ thể có 30 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 1 trường THCS. Trong mỗi năm học, ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp tổ chức kiểm tra công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại các CSGD để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: “Để bước vào năm học mới, bên cạnh chuẩn bị cho việc đón trẻ, giảng dạy, trang trí lớp học, trường đã chuẩn bị công tác bán trú rất kỹ như: Lau dọn sạch sẽ dụng cụ, đồ dùng, trang bị mới những thiết bị bán trú đã hư hỏng…; quan trọng hơn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực phẩm nhập vào phải đảm bảo an toàn, vệ sinh với các yêu cầu: Tươi sống, giàu chất dinh dưỡng. Khu nhà bếp luôn đảm bảo sạch sẽ, dụng cụ, đồ dùng đều được vệ sinh, khử khuẩn…”
ĐỖ PHI