Thứ Tư, 04/09/2024, 10:48 (GMT+7)
.

Tuyển sinh đại học năm 2024: Nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển bổ sung

Sau khi Bộ GD-ĐT gia hạn thời gian đăng ký xác nhận nhập học đến ngày 31-8 (kéo dài thêm 4 ngày so với quy định), nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố xét tuyển bổ sung vì tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Ở đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin về điểm sàn xét tuyển, thời hạn nộp hồ sơ tổ hợp xét tuyển của từng trường để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công thương TPHCM.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công thương TPHCM.


Hàng ngàn chỉ tiêu bổ sung

Theo Đại học Quốc gia TPHCM, một số trường thành viên xét tuyển bổ sung, như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật... Trong đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xét tuyển bổ sung chương trình liên kết quốc tế 2+2 các ngành gồm Truyền thông (chuyên ngành Báo chí), Quan hệ Quốc tế, Ngôn ngữ Anh, với 3 phương thức xét tuyển: dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024; dựa vào học bạ có điều kiện (đối với ngành Ngôn ngữ Anh). Trường ĐH Kinh tế - Luật xét tuyển bổ sung chương trình cử nhân Anh quốc, như ngành Kinh doanh quốc tế (40 chỉ tiêu), ngành Tài chính quốc tế (10 chỉ tiêu), với điều kiện ngoại ngữ đầu vào đạt ít nhất trình độ tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam hoặc tương đương được Bộ GD-ĐT công nhận. Thời gian nộp hồ sơ đến hết ngày 10-9-2024.

Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có 3 trường thành viên xét tuyển bổ sung. Cụ thể, Trường ĐH Quản trị và Kinh doanh tuyển bổ sung 70 chỉ tiêu cho 2 ngành Quản trị và an ninh, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ. Trường ĐH Quốc tế tuyển 130 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế, gồm ngành Kế toán và tài chính, Quản trị khách sạn, Sự kiện và du lịch. Trường ĐH Việt Nhật xét tuyển 150 chỉ tiêu cho 5 ngành gồm Khoa học máy tính, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ thực phẩm và sức khỏe, Nông nghiệp thông minh và bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH khác cũng xét tuyển bổ sung với số lượng chỉ tiêu khá lớn. Chẳng hạn, Trường ĐH Mở TPHCM xét tuyển 135 chỉ tiêu cho 5 ngành Bảo hiểm, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ đại trà và chất lượng cao), Quản lý xây dựng, Công nghệ sinh học (hệ đại trà và chất lượng cao) với các tổ hợp Toán - Lý - Hóa, Toán - Lý - tiếng Anh. Điểm sàn xét tuyển những ngành này là 16 điểm. Cùng với đó, trường xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu cho 13 ngành trong chương trình liên kết quốc tế, với điểm sàn xét tuyển là 16 điểm. Thời hạn xét tuyển bổ sung đến hết ngày 5-9.

ĐH Kinh tế TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu cho Phân hiệu Vĩnh Long, với các ngành Tiếng Anh thương mại (5 chỉ tiêu), Thuế - tích hợp song bằng với ngành Kế toán doanh nghiệp (10 chỉ tiêu), Công nghệ và đổi mới sáng tạo (25 chỉ tiêu), Robot và trí tuệ nhân tạo (25 chỉ tiêu), Kinh doanh nông nghiệp - tích hợp song bằng với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hoặc Kinh doanh quốc tế (25 chỉ tiêu), Quản trị khách sạn (10 chỉ tiêu). Trường xét tuyển bằng 2 phương thức: điểm học bạ THPT, và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời hạn nộp hồ sơ đến ngày 27-9.

Một số trường ĐH ngoài công lập như Đông Á, Văn Lang, Hoa Sen, Lạc Hồng... và các trường ĐH công lập ở các địa phương như Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung... cũng xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu.

Thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin

Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Công thương TPHCM, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy số thí sinh trúng tuyển đợt 1 là 673.586, số thí sinh xác nhận nhập học là 551.479, đạt 81,87% (năm 2023, tỷ lệ nhập học là 80,34%). Như vậy, năm 2024 có đến 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, cao hơn năm 2023 (có 120.982 thí sinh trúng tuyển không nhập học). Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 122.000 chỉ tiêu mà các trường phải tiếp tục xét tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu. Do đó, cơ hội cho thí sinh ở các đợt xét tuyển bổ sung từ nay đến tháng 12-2024 là không hề ít. Tuy nhiên, ở đợt xét tuyển bổ sung, cơ hội cho thí sinh ở các trường tốp trên không còn nhiều (chủ yếu những ngành mới mở, hoặc những ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế) nên thí sinh cần có sự tính toán vào những trường ĐH địa phương hoặc các trường ngoài công lập.

Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung.
Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung.


Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, chia sẻ: Ở đợt xét tuyển bổ sung, các trường hoàn toàn chủ động về mốc thời gian, hình thức nộp hồ sơ, các điều kiện phụ (ngoại ngữ, điểm các môn năng khiếu...). Do đó, thí sinh chưa đậu đợt 1 muốn tham gia xét tuyển đợt bổ sung này cần tìm hiểu kỹ chỉ tiêu xét tuyển, thời gian và hình thức nộp hồ sơ xét tuyển, các quy định, tiêu chí phụ của từng trường. Với những chương trình liên kết quốc tế, chương trình song bằng, thí sinh phải tìm hiểu về quy định chuẩn ngoại ngữ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Với những ngành thuộc khối sư phạm và khối sức khỏe, thí sinh phải đạt được ngưỡng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định và phải đạt điểm sàn xét tuyển (điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ) do các trường quy định.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết: Ở đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh khi tham gia xét tuyển cần ghi nhớ quy tắc lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, đừng vì muốn đậu vào ĐH mà đăng ký đại. Nếu bằng mọi giá phải đậu ĐH mà bỏ quên quy tắc lựa chọn ngành nghề thì nguy cơ bỏ học giữa chừng là rất lớn.

“Có thể các em không có cơ hội đậu vào những trường ĐH tốp đầu, nhưng nếu đậu vào những trường ĐH địa phương hoặc những trường ngoài công lập ở ngành nghề mà mình yêu thích thì các em sẽ có nhiều động lực để học và đạt kết quả học tập tốt hơn. Ngoài ra, nếu điều kiện kinh tế gia đình không theo nổi 4 năm ĐH, các em có thể học cao đẳng hoặc trường nghề rồi sau này học liên thông lên ĐH”, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng nêu ý kiến.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.