Chủ Nhật, 06/10/2024, 15:42 (GMT+7)
.

'Đánh cắp' tuổi thơ

Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025, Sở GD TPHCM đặc biệt đề nghị các trường giảm những cuộc thi cho GV và HS.

Trước TPHCM, tại Vĩnh Phúc, nơi có gần 50 cuộc thi dành cho học sinh trong năm 2023, UBND tỉnh này cũng có văn bản đề nghị chấn chỉnh.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành Giáo dục TPHCM, Vĩnh Phúc lại đặt ra vấn đề giảm các cuộc thi trong trường học. Thời gian qua, tình trạng rộ các cuộc thi, đặc biệt ở cấp tiểu học đã đến hồi báo động, vì gây tốn kém, vất vả, tạo áp lực cho cả thầy và trò.

Trước đó, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức; đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.

Các cuộc thi dành cho học sinh cấp quốc gia giảm nhưng trên thực tế còn nhiều cuộc thi khác diễn ra trong nhà trường do các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương… tổ chức. Đáng chú ý ở một số cuộc thi xã hội hóa (do tư nhân tài trợ, thường gắn với yếu tố quảng bá thương hiệu), để thu hút học sinh, không tránh khỏi việc vận động ngầm nhà trường, giáo viên làm công tác tuyên truyền, cổ động. Nhiều thầy cô cho biết rất ngán ngẩm trước các cuộc thi ngoài ngành nhưng trên cứ “ấn” xuống.

Bên cạnh các cuộc thi thông qua nhà trường, còn nhiều cuộc thi quốc tế, chủ yếu là trực tuyến, cũng tích cực quảng bá đến học sinh. Với môn Tiếng Anh thì có thi Olympic tiếng Anh toàn cầu KGL contest; Olympic tiếng Anh quốc tế CEO; cuộc thi Em học giỏi tiếng Anh (BME); cuộc thi tiếng Anh quốc tế Kangaroo…

Với toán, khoa học thì có Olympic toán học thế giới Pangea; thi toán quốc tế TIMO; Olympic toán học quốc tế HKIMO; kỳ thi Khoa học quốc tế Kangaroo IKSC; Olympic khoa học máy tính Đông Nam Á SEACSO; Olympic khoa học quốc tế HKISO; Olympic tin học quốc tế HKICO… Phần đông các cuộc thi quốc tế, thí sinh phải đóng phí, mức độ ít nhiều khác nhau.

Một số cuộc thi đưa ra chiêu thức những vòng đầu miễn phí và hầu hết thí sinh nhận được “chúc mừng” đã “xuất sắc” lọt vào vòng trong. Tuy nhiên càng vào vòng trong thì lệ phí càng cao, có vòng lên tới hàng triệu đồng, rồi hàng nghìn USD. Thậm chí, để có thể tham gia vòng chung kết trực tiếp, có gia đình mất cả trăm triệu đồng.

Tổ chức các cuộc thi cho học sinh có mặt tích cực là giúp các em thêm nhiều sân chơi, có cơ hội giao lưu, khẳng định mình, nhưng quan trọng phải đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ năm học cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần, sự phát triển toàn diện.

Thực tế cho thấy đa số cuộc thi gọi là “sân chơi”, dù ngành Giáo dục yêu cầu không tạo áp lực, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không lấy thành tích để đánh giá thi đua, nhưng đó đây vẫn có nơi “đốc thúc” thành tích, dẫn đến gây sức ép cho giáo viên và học sinh.

Một số kỳ thi kém chất lượng còn nguy cơ dẫn đến việc học sinh và gia đình có tâm lý huyễn hoặc về bản thân và con em mình, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách, tương lai của trẻ. Đáng chú ý, các cuộc thi quốc tế trên mạng dành cho học sinh gần như đang nằm ngoài tầm thẩm định của cơ quan quản lý; phụ huynh, học sinh cứ thích là thi.

Lựa chọn các cuộc thi phù hợp, tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh là trách nhiệm của nhà trường và địa phương, đặc biệt hiệu trưởng, nhưng về phía phụ huynh cũng cần tỉnh táo khi cho con tham gia.

Nên lựa chọn cuộc thi từ những đơn vị tổ chức uy tín; tham khảo về chất lượng đề thi trước khi đưa ra quyết định; không nên đăng ký quá nhiều cuộc thi, khiến trẻ mất thời gian ôn luyện, để rồi bị “đánh cắp” tuổi thơ.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.