Thứ Năm, 10/10/2024, 09:26 (GMT+7)
.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua những Phiên tòa giả định

Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, những phiên tòa giả định do Ban Chấp hành Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang xây dựng, phối hợp tổ chức tại các cơ sở giáo dục đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Đây được xem là hình thức giáo dục pháp luật trực quan, sinh động cho học sinh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn trong trường học, tiến tới xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh.

KỊCH BẢN TUYÊN TRUYỀN SÁT THỰC TẾ

Với tình huống giả định sát với thực tế, nội dung thể hiện sinh động, phù hợp với giới trẻ, những phiên tòa giả định đã đề cập đến một số vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay như thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật; bạo lực học đường; xâm hại sức khỏe vị thành niên; vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ; tệ nạn ma túy… Các nội dung phiên tòa được chọn lọc phù hợp với tình hình địa phương, tâm lý lứa tuổi, nhằm giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong tuyên truyền pháp luật.
Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong tuyên truyền pháp luật.

Đơn cử như Ban Chấp hành Chi đoàn Viện KSND và TAND tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) tổ chức Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ  biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ. Phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cụ thể, theo nội dung cáo trạng: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 2-4-2024, trên tỉnh lộ 870 đoạn thuộc ấp Xóm Vông, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Một không có Giấy phép lái xe hạng A1 đã điều khiển xe mô tô 2 bánh biển số 61D1-195.20 có dung tích xi lanh là 133 cm3 khi trong máu có nồng độ cồn là 61 mg/dL, không đi đúng phần đường quy định, đã để xe lấn trái đường va chạm với xe mô tô 2 bánh biển số 63B3-552.61 do anh Lui Kong điều khiển chở theo vợ là chị Phạm Thị Chín và con là cháu Bảo Kong đi theo chiều ngược lại. Hậu quả làm anh Lui Kong tử vong.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa, quy định của pháp luật, xét tính chất vụ án là nguy hiểm cho xã hội, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a, b khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50; Điều 54 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa giả định được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh theo dõi, giúp cho các em có cái nhìn trực quan, từ đó ý thức tự giác chấp hành pháp luật và hình thành ứng xử chuẩn mực, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Nói về cảm nhận của bản thân khi tham dự Phiên tòa giả định tại Trường THCS Thạnh Lộc, em Nguyễn Trần Bảo Trinh (học sinh Trường THCS Thạnh Lộc) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia phiên tòa giả định.

Dù là phiên tòa giả định nhưng em thấy không khí trật tự, nghiêm túc và theo đúng với trình tự diễn ra của một phiên tòa thật sự. Qua phiên tòa này, chúng em hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Phiên tòa giả định thực sự đã giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm pháp luật, từ đó em sẽ tuân thủ tốt hơn quy định pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.

Đây chỉ là một trong những phiên tòa giả định được Chi đoàn Viện KSND và TAND  2 cấp trong tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai trong thời gian qua. Mỗi phiên tòa giả định tổ chức đều được đơn vị xây dựng với tình huống giả định có tình tiết, nội dung tuyên truyền khác nhau. Mục đích chung của các phiên tòa này là giúp các em học sinh tiếp cận nhanh chóng các quy định và hiểu rõ hậu quả khi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, phiên tòa giả định được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý của giới trẻ nên tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với mỗi học sinh khi tham dự; bởi tình huống gần gũi, sát với đời sống, qua đó góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho giáo viên, học sinh trong các nhà trường.

Bí thư Chi đoàn Viện KSND tỉnh Trần Nguyễn Minh Nhật cho biết, mục đích của phiên tòa giả định là giúp cho các em học sinh biết được một phiên tòa được diễn ra như thế nào, đúng những trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Qua đây nhằm chia sẻ những kiến thức pháp luật đến các em học sinh, cho các em hiểu rõ hơn quy định pháp luật, để không gặp những điều đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì các em học sinh sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử giả định, để từ đó tránh những vi phạm tương tự. Đặc biệt, việc xây dựng kịch bản những phiên tòa giả định bám sát thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của mọi người; giúp người dân dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật.

Phiên tòa giả định là một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế mà các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân hiện nay, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật...

SONG SONG

 

.
.
.