Thứ Tư, 02/10/2024, 10:51 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động chuẩn bị cho Kỳ thi THPT năm 2025

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Với tầm quan trọng của kỳ thi, ngay từ đầu năm học mới, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị sớm cho học sinh cả về kiến thức lẫn kỹ năng.

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA KỲ THI

Chương trình GDPT năm 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực của học sinh. Chính vì vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng không nằm ngoài định hướng này. So với các kỳ thi trước, một trong những điểm mới nổi bật của kỳ thi lần này là đề thi sẽ không dựa vào sách giáo khoa mà căn cứ vào chương trình giáo dục để đánh giá toàn diện học sinh.

Học sinh lớp 12 dự Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 tại Trường THPT Trương Định, TP. Gò Công.
Học sinh lớp 12 dự Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 tại Trường THPT Trương Định, TP. Gò Công.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, học sinh phải thi 6 môn, trong đó Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc. Học sinh tự chọn tổ hợp môn để thi giữa Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Còn với kỳ thi năm 2025 chỉ có 4 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc, học sinh tự chọn thêm 2 môn trong các môn (Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Trong đó Tin học và Công nghệ là 2 môn thi mới.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ngoài chuẩn bị tốt kỹ năng, kiến thức. Ngay từ đầu năm học, các trường THPT cần chuẩn bị cho học sinh lớp 12 tâm thế thật tốt làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT để các em không bị bỡ ngỡ; có biện pháp quan tâm, giúp đỡ cho các em có học lực yếu, kém, các em có hoàn cảnh khó khăn”.

Trong các môn thi thì Ngữ văn là môn tự luận duy nhất. Trong đó, ngữ liệu ra trong đề thi môn Ngữ văn không có trong một bộ sách giáo khoa nào với cấu trúc gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Đối với các môn thi trắc nghiệm, đề có 3 phần: Phần 1 của đề thi là dạng trắc nghiệm có nhiều lựa chọn (4 phương thức); mỗi câu đúng được 0,25 điểm.

Phần 2 là lựa chọn đúng, sai; mỗi câu hỏi trong dạng này có 4 ý, thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm. Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, thí sinh phải tự đưa ra đáp án chứ không có đáp án sẵn để chọn; đây là phần gần với cách thức thi tự luận, thí sinh phải tư duy, lập luận.

NỖ LỰC CHUẨN BỊ

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho năm nay có 864 học sinh khối 12. Nắm bắt được tầm quan trọng của kỳ thi, ngay từ tháng đầu tiên của năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học cho học sinh khối 12. Hiệu trưởng nhà trường Võ Hoài Nhân Trung chia sẻ: “Kỳ thi tới đây với nhiều điểm mới.

Các giáo viên dạy 12 đều nghiên cứu, phân tích kỹ cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập gồm các dạng câu hỏi kiến thức cơ bản, vận dụng và các câu hỏi mang tính thực tiễn ở từng bộ môn.

Phương châm nhà trường đưa ra là dạy đến đâu phải chắc đến đó. Thông qua kiểm tra, đánh giá thường xuyên, các giáo viên sẽ biết được học sinh còn yếu những mảng kiến thức nào, từ đó kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp”.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Em cảm thấy khá lo lắng bởi đây là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, cấu trúc đề cũng có nhiều đổi khác. Vì vậy, ngoài việc học trên lớp, em đã chủ động cho việc tự học, tăng cường bổ sung các kiến thức nâng cao cũng như các kiến thức mang tính chất thực tiễn”.

Học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (ảnh chụp Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. TP. Mỹ Tho).
Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.

Theo thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, giáo viên khi giảng dạy hoặc soạn câu hỏi cho một nội dung nào đó cần bám sát chương trình và mức độ cần đạt tương ứng.

Trong đó, lưu ý không nên quá sa đà vào việc đưa ra các bài tập quá khó, mang tính học thuật cao mà các câu hỏi nên chú trọng vào việc phát triển năng lực cho học sinh, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình mới. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng những câu hỏi mang tính chất thực tiễn.

Còn với môn Ngữ văn, thầy Phan Tấn Ngọc, giáo viên Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành chia sẻ: “Các ngữ liệu trong đề sẽ nằm ngoài sách giáo khoa. Chính vì vậy, giáo viên cần dạy kỹ năng làm bài, hướng dẫn học sinh cách đọc - hiểu văn bản, xử lý các câu hỏi; đồng thời giáo viên cần định hướng các vấn đề xã hội, hướng dẫn học sinh tư duy logic, đưa ra những ví dụ minh chứng thực tế để bài viết thêm phần sinh động, hấp dẫn hơn”.

Năm học 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang có trên 18 ngàn học sinh khối 12. Những năm gần đây, tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 an toàn, thành công, Sở GD-ĐT đã có những chỉ đạo các cơ sở giáo dục THPT đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học; cách kiểm tra, đánh giá…

ĐỖ PHI

.
.
.