Trường Tiểu học Mỹ Lợi A: Khơi dậy tình yêu biển, đảo cho học sinh
Trường Tiểu học Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã xây dựng mô hình biển, đảo trong khuôn viên của nhà trường, nhằm giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
MÔ HÌNH ĐỘC ĐÁO
Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên nhà trường, thầy Nguyễn Văn Huân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lợi A chia sẻ, nhiều năm nay, phụ huynh, học sinh của nhà trường đã quen thuộc với mô hình biển, đảo nằm trong khuôn viên nhà trường. Đến giờ ra chơi, từng tốp học sinh lại quây quần, say sưa nghe kể chuyện, chia sẻ các kiến thức lịch sử, biển, đảo quê hương bên cột mốc.
Thầy Nguyễn Văn Huân nói chuyện về biển, đảo cho các em học sinh. |
Thầy Huân giới thiệu với chúng tôi, cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được bố trí trang trọng trước cột cờ Tổ quốc của sân trường. Trên đó có ghi đầy đủ vị trí vĩ độ, kinh độ cùng bản đồ Tổ quốc hình chữ S được xếp khéo léo bằng gạch, cùng cây xanh như biểu trưng cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục dẫn chúng tôi đi tham quan, thầy Huân giới thiệu, hệ thống đường nội bộ trong khuôn viên nhà trường được đặt các bảng tên đường theo các quần đảo, hòn đảo của Việt Nam. Ví dụ như đường dẫn vào trung tâm nhà trường được đặt tên đường quần đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) cùng đường quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ở bên phải.
Còn phía kia là đường dẫn xuống căng tin có tên đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), cùng con đường từ căng tin dẫn vào sân trường được đặt tên đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang). Còn đường mang tên huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) ở giữa khuôn viên sân trường phía bên phải. 2 đường trong sân trường là đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông (thuộc quần đảo Trường Sa), cùng đường Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở phía bên phải ở cuối khuôn viên trường…
Không kém phần đặc sắc, Ban Giám hiệu nhà trường còn đặt tên một số hòn đảo cho các cầu thang và các hành lang trên các dãy lầu của trường như: Đảo Cát Bà, đảo Phú Quý, đảo Sơn Trà… Trong đó, ấn tượng nhất là đường dẫn lên cầu thang đến khối lớp Hai được đặt tên đảo Phú Quý, giáo viên mỹ thuật đã vẽ bức tranh 2 Bà Trưng cưỡi voi xuất quân đánh giặc ngoại xâm cùng lời thề của bà Trưng Trắc: “Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này” (trích Thiên Nam ngữ lục).
THÊM YÊU BIỂN, ĐẢO QUÊ HƯƠNG
Thầy Nguyễn Văn Huân cho biết, mục đích xây dựng mô hình biển, đảo này nhằm giáo dục lòng yêu nước, chủ quyền biên giới quốc gia, biên giới hải đảo của Tổ quốc cho các thế hệ học sinh của trường. Nhiều năm học qua, nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo… của đất nước qua hình ảnh trực quan, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, bồi đắp tình yêu, trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt, trong năm học 2024 - 2025, thông qua đây, nhà trường đã lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục biển, đảo vào giáo dục an ninh - quốc phòng mà Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè đã chỉ đạo.
Cô Trần Hoàng Khanh, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Mỹ Lợi A cho biết, mô hình đặt tên các đảo, quần đảo cho các đường nội bộ trong sân trường nhằm giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, cũng như biên giới, biển, đảo Việt Nam, qua đó vun đắp cho các em tình yêu biển, đảo quê hương của Tổ quốc.
“Trong những lần sinh hoạt dưới cờ cũng như trong các tiết sinh hoạt Đội, các em học sinh sẽ được các giáo viên cung cấp những kiến thức cơ bản về biển, đảo, góp phần giúp các em biết yêu Tổ quốc, tự hào về biển, đảo của quê hương cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường còn tổ chức cho học sinh thi và tìm hiểu về biển, đảo của Việt Nam, qua đó các em tiếp thu rất tốt. Ngoài việc biết được chủ quyền biển, đảo, các em còn góp phần tuyên truyền cho người thân trong gia đình cùng bạn bè có ý thức gìn giữ biển, đảo quê hương” - cô Khanh cho biết thêm.
Em Nguyễn Phạm Phương Nhi, học sinh lớp 52 cho biết: “Thông qua các giờ học về biển, đảo, em biết được nhiều kiến thức rất thú vị, chẳng hạn như Việt Nam có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa cùng những hòn đảo khác. Em rất tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam cũng như tự hào, thêm yêu biển, đảo của Tổ quốc. Từ đó, em và các bạn luôn ý thức rằng là một công dân Việt Nam phải trách nhiệm nhiều hơn nữa để giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Dưới màu xanh của những tán cây bàng, cây phượng ở từng con đường mang tên các đảo, quần đảo, từng tốp học trò say sưa kể chuyện lịch sử, tìm hiểu về biển, đảo quê hương. Từ đây đã góp phần hun đúc tình yêu, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
V.PHƯƠNG