.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Cải tiến hoạt động thanh tra, kiểm tra

Cập nhật: 20:40, 25/11/2024 (GMT+7)

Các cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT đề xuất phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nam. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nam. Ảnh: Xuân Phú

Từ thực tiễn triển khai thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT đề xuất phương án cho hoạt động này từ kỳ thi năm 2025.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng
 
Đại học Bách khoa Hà Nội xác định tham gia vào công tác kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm là nhiệm vụ chính trị quan trọng; luôn tham gia đầy đủ các đợt tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi, chấm thi do Bộ GD&ĐT chủ trì.
 
Song song đó, Ban Thanh tra, pháp chế và Kiểm toán nội bộ lập danh sách điều động cán bộ dự kiến tham gia đoàn kiểm tra; triển khai công tác tập huấn, đánh giá kết quả, lập danh sách cán bộ báo cáo Thanh tra Bộ GD&ĐT để thành lập Đoàn kiểm tra, lập kế hoạch chuẩn bị và dự toán cho các đoàn kiểm tra.
 
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định, Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai liên hệ, trao đổi thông tin, tiền trạm thực tế tại địa phương; lên phương án vận chuyển, hỗ trợ ăn, ở tập trung, đưa các cán bộ đến điểm thi.
 
Trong trường hợp các điểm thi thuộc vùng sâu vùng xa, giáp biên giới, di chuyển có nguy cơ mất an toàn, Trưởng đoàn liên hệ với đơn vị sở tại để bố trí phương án đưa cán bộ đến điểm tập kết bằng phương tiện linh hoạt, phù hợp nhất.
 
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ thường trực Đoàn kiểm tra thực hiện tư vấn, giám sát sát sao với mỗi tổ kiểm tra trực tiếp tại điểm thi; thực hiện công tác thường trực tại trụ sở sở GD&ĐT địa phương; kịp thời bằng mọi biện pháp cần thiết, đúng quy định và an toàn để xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý tình huống phát sinh, báo cáo Thanh tra Bộ GD&ĐT theo quy định.
 
Kết thúc công tác kiểm tra, Đoàn hoàn thành các biên bản kiểm tra, thu thập tài liệu, lập báo cáo kết quả kiểm tra theo yêu cầu; thực hiện thanh toán, quyết toán cho cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, cũng như động viên, cảm ơn kịp thời tới từng cán bộ đã không quản ngại khó khăn, sắp xếp công việc cá nhân và gia đình, tham gia nhiệm vụ quan trọng này.
 
Sở GD&ĐT Hải Dương cũng xác định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hằng năm, khi có Kế hoạch tổ chức Kỳ thi của Bộ GD&ĐT, sở tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi của tỉnh… để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ Kỳ thi; trong đó đặc biệt chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra.
 
Theo Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Trần Văn Nghìn, Thanh tra Sở được giao tham mưu lựa chọn đội ngũ làm công tác thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi. Thành phần tham gia là lãnh đạo, thanh tra viên của Thanh tra Sở; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc sở; cán bộ, giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục trực thuộc trong toàn tỉnh.
 
Đội ngũ cán bộ, giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, được tập huấn và nắm vững nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, có chuyên môn vững vàng, hiện đang đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo nhất định như: Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoặc lãnh đạo các đoàn thể trong nhà trường. Sở GD&ĐT cũng phối hợp chặt chẽ với các Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT trong các khâu, đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả cao.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hậu Giang. Ảnh: Quốc Ngữ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hậu Giang. Ảnh: Quốc Ngữ

Đề xuất triển khai đoàn kiểm tra lưu động

TS Trần Trí Trung - Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, thanh tra, kiểm tra các kỳ thi nói chung, thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng là hoạt động nhằm góp phần đảm bảo kỷ cương, chất lượng của kỳ thi.
 
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT, nòng cốt là Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra các kỳ thi đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành ở các khâu của kỳ thi.
 
Từ công tác chuẩn bị, đảm bảo nguồn lực, điều kiện vật chất, kỹ thuật, an toàn cho kỳ thi đến hoạt động tổ chức coi thi, chấm thi. Quy chế tổ chức thi và hướng dẫn nội dung thanh tra, kiểm tra thi đã được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần mang lại chất lượng của kỳ thi.
 
Xuất phát từ thực tiễn tham gia tổ chức triển khai hoạt động của Đoàn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua, TS Trần Trí Trung nhận thấy hoạt động kiểm tra thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT có thể được cải tiến mà vẫn đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra.
 
Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất hoạt động thanh tra thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục duy trì như những năm vừa qua (đơn vị tổ chức thi thành lập đoàn thanh tra có cán bộ thanh tra thường trực tại các Điểm thi trên địa bàn).
 
Với hoạt động kiểm tra thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cải tiến phương thức tổ chức hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, hoạt động kiểm tra thi vẫn do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức, nhưng có sự điều chỉnh về phương thức thực hiện kiểm tra, giảm bớt số lượng cán bộ, giảng viên tham gia đoàn kiểm tra.
 
Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Đoàn kiểm tra thi tại các Hội đồng thi cấp tỉnh. Phương thức kiểm tra kết hợp giữa kiểm tra thường trực tại Hội đồng thi và luân phiên, lưu động tại các Điểm thi. Đảm bảo nguyên tắc: Hoạt động kiểm tra được tiến hành tại các Hội đồng thi, Điểm thi.
 
Phương thức tổ chức đảm bảo duy trì 1 tổ kiểm tra (3 - 5 người) thường trực tại Hội đồng thi. Thành viên tổ kiểm tra thường trực có thể di động kiểm tra tại các Điểm thi khi cần. Các tổ kiểm tra còn lại (mỗi tổ 3 thành viên) kiểm tra lưu động tại các Điểm thi, đảm bảo nguyên tắc kiểm tra không báo trước, mỗi Điểm thi phải được kiểm tra ít nhất 1 lượt và không hạn chế số lượt kiểm tra tại một Điểm thi.
 
Về các tổ kiểm tra lưu động, tùy theo tính chất địa lý, khoảng cách giữa các Điểm thi, Trưởng Đoàn kiểm tra xác định số lượng tổ kiểm tra và phân công thành viên thực hiện nhiệm vụ trong mỗi tổ kiểm tra, đảm bảo mỗi tổ kiểm tra có thể tiến hành tại 6 đến 12 Điểm thi. Với phương án này, tính toán sơ bộ theo địa bàn thành phố Hà Nội, có thể giảm được 9/10 số lượng thành viên đoàn kiểm tra.
 
Căn cứ đề xuất phương án cải tiến hoạt động kiểm tra thi, theo TS Trần Trí Trung, được xác định dựa trên những cơ sở chủ yếu sau: Đảm bảo tính sâu sát, toàn diện của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GD&ĐT) trong quá trình tổ chức thi; đảm bảo trách nhiệm tham gia của các cơ sở giáo dục ĐH với vai trò người sử dụng kết quả thi và trách nhiệm chung trong ngành.
 
Điều này thể hiện ở các nội dung: Đoàn kiểm tra thi do Bộ GD&ĐT thành lập tiến hành kiểm tra tại tất cả Hội đồng thi, Điểm thi; cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm và được cử cán bộ, viên chức tham gia vào các Đoàn kiểm tra do Bộ GD&ĐT thành lập; đảm bảo tính chủ động, chịu trách nhiệm cao của đơn vị (địa phương) tổ chức thi.
 
Các đơn vị tổ chức thi là chủ thể trực tiếp tổ chức kỳ thi trên địa bàn, chủ động triển khai hoạt động thanh tra kỳ thi theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT và quy định pháp luật về hoạt động thanh tra; góp phần đảm bảo tính độc lập tương đối trong hoạt động của đoàn kiểm tra tại cơ sở.
 
“Trên thực tế, hoạt động của thành viên đoàn kiểm tra cắm chốt, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc, cùng làm việc trong một Điểm thi, cùng với sự chia sẻ, hỗ trợ các điều kiện cư trú, sinh hoạt giữa thành viên đoàn kiểm tra và lực lượng thanh tra, đơn vị tổ chức thi, sự gần gũi và thân mật dễ khiến nảy sinh những quan hệ, sự thông cảm có thể ảnh hưởng đến nội dung, hiệu quả hoạt động chủ thể.
 
Việc triển khai các đoàn kiểm tra lưu động có thể khắc phục được hạn chế này; đồng thời góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, ngân sách Nhà nước cho hoạt động tổ chức thi nói chung, hoạt động kiểm tra thi nói riêng”, TS Trần Trí Trung cho hay.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi (thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Lào Cai. Ảnh: Hà Thuận
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi (thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Lào Cai. Ảnh: Hà Thuận

Con người là yếu tố quyết định

Chia sẻ một số đề xuất của Sở GD&ĐT Hải Dương về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, ông Trần Văn Nghìn cho rằng, nên giữ nguyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi như hiện nay để đảm bảo được giám sát chặt chẽ.
 
Tuy nhiên, điều chỉnh ở việc mời lực lượng thanh tra Nhà nước tham gia công tác thanh tra, kiểm tra với tư cách giám sát; giảm số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, tại một điểm thi có thể bố trí từ 2 đến 3 cán bộ thanh tra của sở, kết hợp với 1 cán bộ kiểm tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến từ các trường đại học.
 
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa đoàn thanh tra và kiểm tra công tác coi thi, đặc biệt các đoàn thanh tra, kiểm tra lưu động, tránh chồng chéo và làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ coi thi cũng như thí sinh. Phối hợp tốt hơn nữa với lực lượng công an trong việc ngăn ngừa, phát hiện thí sinh cố tình sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận trong quá trình thi.
 
Đặc biệt, để triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo, ông Trần Văn Nghìn nhấn mạnh cần phải xác định yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đó là con người.
 
Việc lựa chọn cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải có tinh thần trách nhiệm cao, tinh nhuệ trong công việc; nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; đồng thời phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng tham gia như công an, y tế, điện lực..., đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao.
 
"Cần tiếp tục ổn định công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi như giai đoạn 2020 - 2024, linh hoạt đảm bảo phù hợp với thực tiễn từng năm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra sở, các cơ quan chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục đại học.
 
Thanh tra Bộ GD&ĐT cần cung cấp thông tin điều động nhân sự, địa điểm kiểm tra để cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong công tác chuẩn bị. Cơ sở giáo dục đại học được phân công cùng phối hợp kiểm tra cần chủ động hơn trong việc liên lạc trao đổi thống nhất vì nhiệm vụ chung".
 
TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Để công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, việc tham gia kiểm tra của Bộ GD&ĐT (qua giao trách nhiệm cho cơ sở giáo dục ĐH) tại các Hội đồng thi là cần thiết. Tại mỗi Hội đồng thi, có thể giảm bớt số lượng thành viên tổ kiểm tra cắm chốt tại các Điểm thi; chỉ cần tối đa 2 cán bộ, bao gồm 1 tổ trưởng và 1 thành viên (trước đây tỷ lệ thành viên/số phòng thi tương ứng).
 
“Với mục đích giảm căng thẳng, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ làm nhiệm vụ trong các khâu của kỳ thi cũng như quá trình coi thi, chấm thi (trừ khâu làm đề thi), cần nâng cao một bước trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi về các địa phương, UBND các tỉnh, sở GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức thành công nhiệm vụ này.
 
Do đó, thay thế mô hình hiện nay, áp dụng hình thức các tổ thanh tra cắm chốt là cán bộ của sở, địa phương sở tại, bằng tổ thanh tra lưu động được bố trí kép bởi các GD&ĐT địa phương kết hợp với thanh tra tỉnh”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề xuất.
 
(Theo giaoducthoidai.vn)
 
 
 
.
.
.