.

Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang: Thực hiện tốt công tác bình đẳng giới

Cập nhật: 16:19, 18/11/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) của tỉnh Tiền Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), công tác BĐG đã được triển khai bằng nhiều hình thức, đạt kết quả đáng ghi nhận.

TRIỂN KHAI GIÁO DỤC BĐG

Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT nêu rõ tại Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG giai đoạn 2021 - 2030 là đưa nội dung về giới, BĐG vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang quan tâm, thực hiện tốt công tác BĐG trong  ngành (ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho).
Những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang quan tâm, thực hiện tốt công tác BĐG trong ngành (ảnh chụp tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho).

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các trường học lồng ghép nội dung về giới, BĐG vào nội dung, chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với từng cấp học; tập huấn kiến thức BĐG cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành. Theo đó, 100% cơ sở giáo dục được truyền thông kiến thức về giới, BĐG; phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái.

Tại Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, việc giáo dục BĐG được nhà trường xây dựng kế hoạch rõ ràng và chủ yếu tập trung vào một số môn học như: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, môn Sinh học…

Cùng với đó, thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, trường cũng đã tuyên truyền kiến thức về giới, lịch sử ra đời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bằng các hình thức phong phú như: Hái hoa dân chủ, xử lý tình huống, vẽ tranh cổ động… Qua đó, giúp học sinh có cách nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của công tác BĐG.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang Lê Thị Loan, cộng tác viên môn Sinh học (Sở GD-ĐT Tiền Giang), môn Sinh học có ý nghĩa và gần gũi nhất với học sinh trong việc giáo dục BĐG. Có rất nhiều vấn đề giáo viên có thể giáo dục cho học sinh, chẳng hạn như: Vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới vấn nạn phá thai, ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ, tăng bất BĐG; hậu quả của tảo hôn; kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái…

Theo Sở GD-ĐT, toàn ngành GD-ĐT tỉnh có khoảng 18.375 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; có 8 tiến sĩ, 532 thạc sĩ, 9.565 người đạt trình độ đại học và nữ chiếm khoảng 69% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành.

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch, trong từng cơ quan, đơn vị, có nhận thức đúng đắn về đội ngũ cán bộ nữ, cơ bản không còn phân biệt nam, nữ trong việc lựa chọn, tiếp nhận, đề bạt cán bộ, quản lý lãnh đạo.

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN BĐG

Theo Sở GD-ĐT, thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo đạt kết quả các chỉ tiêu thuộc các mục tiêu quy định tại Kế hoạch 105 ngày 23-4-2021 của UBND  tỉnh Tiền Giang thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD-ĐT Tiền Giang cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là ngành sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về công tác BĐG; chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội.

Tập trung đưa công tác giới, BĐG vào các cơ sở giáo dục với những nội dung, hình thức phù hợp với từng bậc học, từ đó góp phần nâng cao, lan tỏa ý nghĩa của công tác thực hiện BĐG”.

 

Tập trung các hoạt động duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai các nội dung, dự án, hoạt động về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngành GD-ĐT ngành sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường hơn nữa việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đ.PHI - T.H

.
.
.