Tôn vinh các nhà giáo nhân dân, ưu tú, tiêu biểu
Sáng 17-11, Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT) lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu (NGTB) năm 2024.
337 NGND, NGƯT, NGTB đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo năm 2024 vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khen thưởng, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật tại lễ tuyên dương. |
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 30-5-1985, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc. Từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng 650 NGND và 9.081 NGƯT. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Riêng năm 2023, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu NGND cho 21 nhà giáo và NGƯT cho 1.167 nhà giáo.
Ngoài danh hiệu NGND, NGƯT, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm" nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2017 đến năm 2024, sau 8 lần xét chọn NGTB, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định tặng bằng khen cho 1.851 nhà giáo. Riêng năm 2024, hội đồng đã xét chọn 251 NGTB.
Các đại biểu dự lễ tuyên dương. |
Hàng năm, vào dịp 20-11, Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu với chuỗi nhiều hoạt động ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với các thầy giáo, cô giáo, tạo động lực cho các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt kết quả cao hơn trong giảng dạy và trong quản lý.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có được những kết quả lớn và quý báu đó, phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh… Nhưng trong đó, nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo.
“Chúng ta đều ý thức rằng, những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu và đặc biệt là những NGƯT có vai trò hạt nhân, đầu tàu và sức lan tỏa lớn”, Bộ trưởng bày tỏ, đồng thời ghi nhận, đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô, các thầy cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. |
Bộ trưởng cũng nêu rõ, để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành, toàn ngành giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Các NGND, NGƯT, NGTB sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng nhà giáo.
“Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng. Kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình. Các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo. |
Đại diện giáo viên tại lễ tuyên dương, cô Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) chia sẻ, sinh ra và lớn lên trên vùng đất Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái - ngay từ khi còn nhỏ, cô đã ước mơ mình được làm cô giáo. Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè chọn ngành y, dược, thương nghiệp, ngoại thương… cô chọn thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Từ khi trở thành cô giáo, cô luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ là các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh.
Cô Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái). |
"Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thầy cô phải là nguồn động lực thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị; là những hạt nhân tỏa ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam", cô Hạnh bộc bạch.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm với các Nhà giáo ưu tú. |
(Theo sggp.org.vn)