Thứ Năm, 12/12/2024, 16:55 (GMT+7)
.

Đánh giá triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018 - 2024

Sáng 12/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Dự Hội nghị có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo các đơn vị, cục, vụ thuộc Bộ; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT và các phòng chuyên môn thuộc Sở, phòng GD&ĐT các tỉnh; các nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK…

Bảo đảm hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả chuyên môn

Báo cáo đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, lần đầu tiên SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, việc biên soạn, thẩm định SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản.

Sau khi Chương trình GDPT được ban hành, Bộ GD&ĐT tổ chức triển khai đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức biên soạn tài liệu, tập huấn triển khai đến các giảng viên sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp học trước khi biên soạn SGK, ban hành đầy đủ các quy định về biên soạn, thẩm định làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.

Cụ thể, công tác xã hội hóa biên soạn SGK có đủ các căn cứ pháp lý để các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn. Các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ do Bộ GD&ĐT tham mưu ban hành, các Thông tư, văn bản hướng dẫn do Bộ GD&ĐT ban hành cụ thể, rõ ràng, thuận lợi cho công tác xã hội hóa biên soạn SGK. Đồng thời, Bộ GD&ĐT kịp thời sửa đổi các quy định trong quá trình tổ chức thực hiện, để tạo điều kiện thuận lợi và không hạn chế các tổ chức và các nhân tham gia xã hội hóa biên soạn SGK.

Việc biên soạn và thẩm định SGK có giai đoạn rơi vào thời điểm dịch Covid-19, các tổ chức biên soạn SGK và đơn vị tổ chức thẩm định có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn trong các khâu biên soạn, đặc biệt là tổ chức dạy thực nghiệm, đọc góp ý SGK, bảo đảm tiến độ biên soạn, bảo đảm chất lượng SGK; bảo đảm SGK được phê duyệt kịp thời chuẩn bị cho các khâu lựa chọn SGK và in ấn phát hành, không để chậm SGK trước thời điểm khai giảng.

Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Thái Văn Tài.
Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Thái Văn Tài.

Công tác xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo với tổng số 2.656 tác giả gấp 3 lần số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình GDPT năm 2006. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn SGK, góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo. Tác giả biên soạn SGK công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ SGK được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình GDPT.

Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn SGK được đánh giá thành công. Việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các tổ chức biên soạn SGK tốt, diện thực nghiệm bảo đảm độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp cho các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.

Việc biên soạn SGK xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa (kể cả các SGK có nhu cầu và thị phần rất nhỏ trên thị trường). Môn học có ít nhất là 1 SGK (Mỹ thuật lớp 10, 11, 12), môn học có nhiều nhất là 10 SGK (Tiếng Anh tiểu học), đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.

Các bản mẫu SGK của cùng một môn học/lớp học được biên soạn với các cách tiếp cận khác nhau, việc sử dụng các dữ liệu phong phú tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh lựa chọn, tham khảo và đổi mới cách dạy và cách học. Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện thành công, hiệu quả và bảo đảm chất lượng.

Thẩm định SGK tổ chức theo quy trình chặt chẽ được quy định tại các thông tư, Bộ GD&ĐT xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí nhận xét đánh giá SGK giúp cho việc nhận xét, đánh giá SGK khách quan, công bằng, chính xác. Lần đầu tiên huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đông đảo (khoảng 1.404 thành viên) đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau.

Hội đồng quốc gia thẩm định các môn học và hoạt động giáo dục đã đánh giá được các bộ sách, bảo đảm nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với điều kiện dạy học ở các trường phổ thông, không có những sai sót hoặc nội dung còn tranh cãi và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài báo cáo tại hội nghị.

Việc lựa chọn SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Các quy định của Bộ GD&ĐT được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn lựa chọn SGK tại các địa phương. Quá trình lựa chọn SGK giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.

Thống kê kết quả lựa chọn SGK của các địa phương tại Hội đồng các môn học trùng khớp với SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn nhiều nhất. Việc lựa chọn SGK theo Thông tư 27/2023/TT-BGD&ĐT được các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức thực hiện bảo đảm tính dân chủ, công khai và chính xác, phù hợp với điều kiện dạy học và kinh tế-xã hội của địa phương.

245.700 lượt giáo viên, 3.120 lượt giảng viên góp ý bản mẫu SGK

 Bản mẫu SGK từ lớp 3 đến lớp 5 đối với tiểu học, từ lớp 7 đến lớp 9 đối với THCS và từ lớp 10 đến lớp 12 đối với THPT đã được lấy ý kiến rộng rãi giảng viên các trường đại học sư phạm, giáo viên các môn học trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố (bản mẫu SGK lớp 1, 2, 6 lấy ý kiến các chuyên gia và một số giáo viên). Tổng số có 245.700 lượt giáo viên và 3.120 lượt giảng viên góp ý cho bản mẫu SGK.

Công tác phát hành SGK, đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành SGK. SGK được phát hành bằng nhiều hình thức khác nhau và được bán lẻ tại các nhà sách giúp cho học sinh, cha mẹ học sinh mua sách dễ dàng. Trong các năm học vừa qua không có địa phương nào thiếu SGK và phát hành SGK chậm, muộn trước thời điểm khai giảng năm học mới.

Sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng SGK ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành SGK. Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK cũng đã tạo ra sự cạnh tranh và phát triển ở các mảng sách hỗ trợ, sách tham khảo khác của các cá nhân, các nhà xuất bản. Các chương trình tặng SGK, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Các đại biểu khẳng định kết quả đạt được của công tác xã hội hóa biên soạn SGK.
Các đại biểu khẳng định kết quả đạt được của công tác xã hội hóa biên soạn SGK.

Cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK

Tại hội nghị, kết quả trong xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018-2024 được đại diện các nhà xuất bản, các Sở GD&ĐT khẳng định.

Cảm ơn, ghi nhận sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư phạm cho rằng trong hội nghị này cần khẳng định, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và toàn ngành triển khai thành công. “Đại diện Nhà xuất bản ĐH Sư phạm và với tư cách cá nhân, tôi đề xuất tiếp tục chủ trương này vì đã đi vào thực tiễn, khẳng định tính đúng đắn”, ông Nguyễn Bá Cường cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam Thái Viết Tường cũng đánh giá Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo hết sức cụ thể, sâu sát, kịp thời, sát cơ sở, rõ vai - từ Bộ đến UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo, các nhà xuất bản…nên cơ sở thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Về công tác lựa chọn SGK, ông Thái Viết Tường cho biết, Quảng Nam luôn chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn của Bộ, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ sở thực hiện; chỉ đạo việc đọc, nghiên cứu SGK đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng; tôn trọng đề xuất của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK… Thành viên Hội đồng cấp tỉnh theo đề xuất từ các nhà trường, có sự cân đối vùng miền, vị trí công tác, có tính kế thừa hằng năm theo quy định. Việc thảo luận được tổ chức công khai, dân chủ, minh bạch, tôn trọng ý kiến trong Hội đồng, không có sự áp đặt. Khi thực hiện Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023, Sở GD&ĐT phát huy vai trò chỉ đạo, tập huấn, kiểm tra… Từ đó, kết quả lựa chọn SGK luôn phù hợp với đề xuất của cơ sở giáo dục, không có sai sót, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Chỉ ra một số khó khăn, như một số trường quy mô nhỏ không đủ giáo viên một số môn học nên không bảo đảm thành phần Hội đồng lựa chọn SGK; tổ chức nghiên cứu SGK trong thời gian quá ngắn…, ông Thái Viết Tường đề xuất Bộ GD&ĐT sửa đổi quy định theo hướng giao cho Sở GD&ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương; có hướng dẫn với việc lựa chọn lại SGK…

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ địa phương, nhà xuất bản.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ địa phương, nhà xuất bản.

Đại diện Sở GD&ĐT Nam Định, ông Bùi Văn Khiết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định ưu thế nổi bật của việc thực hiện một chương trình có nhiều SGK là tạo ra nhiều hướng tiếp cận các nội dung giảng dạy cho giáo viên và học sinh, tạo điều kiện để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn trong việc chọn SGK trong quá trình học tập để đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình, phù hợp với cách thức tổ chức dạy học của giáo viên, phong cách học của học sinh.

Giá của các bộ sách có sự cạnh tranh đảm bảo được lợi ích của học sinh được tối ưu nhất, không còn sự độc quyền trong phát hành SGK, từ đó chất lượng các bộ sách được nâng cao và hoàn thiện.

Giá SGK thấp so với thế giới

Dựa trên tiêu chí đơn giá (đồng/trang) sau khi quy đổi về cùng quy cách (khổ sách, số màu in), so sánh các cuốn sách cùng môn học, cùng lớp/cấp học, cho thấy, giá SGK của các nước Ấn Độ, Singapore, Australia và Hàn Quốc cao hơn giá SGK Việt Nam từ 7 đến 12 lần. SGK Việt Nam theo Chương trình GDPT 2018 in 4 màu, tương đồng với sách các nước trên thế giới.

Quan trọng hơn, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK giúp giáo viên, lãnh đạo quản lý giáo dục thay đổi tư duy, cách nghĩ và hiểu đúng “chương trình mới là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy, chỉ có tính hướng dẫn”; từ đó giúp giáo viên, cán bộ quản lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ một số khó khăn trong thực tiễn giảng dạy việc tổ chức dạy và học khi một chương trình có nhiều SGK, ông Bùi Văn Khiết cũng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp của Nam Định để khắc phục những khó khăn này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị.

Tiếp tục rà soát văn bản quy pháp pháp luật, tạo điều kiện cho xã hội hóa biên soạn SGK

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản…đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn SGK - một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.

Khẳng định, trải qua những thách thức, đến thời điểm này, công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, 8 nội dung được Thứ trưởng nhấn mạnh.

Một là, toàn ngành Giáo dục đã thực hiện nghiêm túc những chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là hết sức đúng đắn; đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn, hoàn thiện hơn, kỹ lưỡng hơn qua mỗi lần tổng kết.

Hai là, Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc ban hành chương trình, tổ chức việc biên soạn SGK, tổ chức thẩm định SGK, lựa chọn SGK và các văn bản hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK phục vụ đổi mới chương trình, SGK... Trong quá trình thực hiện, luôn lắng nghe để kịp thời điều chỉnh sâu sát, triệt để.

Ba là, thu hút được nhiều cơ quan, tổ chức tham gia biên soạn SGK. Tính đến nay, đã có 7 nhà xuất bản và 12 công ty tham gia biên soạn và liên kết biên soạn SGK.

Bốn là, tác giả tham gia biên soạn SGK tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sỹ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả. Đặc biệt, lần đầu tiên việc biên soạn SGK đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn. Đây cũng là một cơ hội để nâng tầm đội ngũ giáo viên phổ thông.

Năm là, lần đầu tiên có một quy trình thẩm định với các bước rất chặt chẽ, kỹ lưỡng và khoa học; được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, nhà chuyên môn qua mỗi lần thẩm định.

Sáu là việc giao quyền tự chủ cho địa phương, các sở GD&ĐT, nhất là các cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Bảy là, công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao.

Cuối cùng là nâng cao nhận thức về công tác biên soạn SGK, không chỉ trong ngành Giáo dục, mà còn cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, một việc mới, khó, thực hiện trên quy mô toàn quốc nên hạn chế là khó tránh khỏi. Trong đó có một số hạn chế liên quan đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành và toàn xã hội…Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các vụ, cục có liên quan tổng hợp ý kiến phát biểu, báo cáo lãnh đạo Bộ; rà soát tập thể, cá nhân làm tốt công tác này để tôn vinh, khen thưởng.

Với các nhà xuất bản, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn SGK thuộc thẩm quyền, chức năng của mình; hết sức thận trọng trong vấn đề chỉnh sửa, hiệu đính; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để SGK đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp; tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ SGK cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai…

Với các cơ sở đào tạo giáo viên, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đầu ra với sinh viên sư phạm về khả năng thích ứng cao và năng lực ngoại ngữ.

Các sở GD&ĐT, Thứ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc đổi mới giáo dục nói chung, trong công tác biên soạn SGK nói riêng; tập trung chỉ đạo công tác quản lý, dạy học bảo đảm chất lượng; tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các nhà xuất bản; tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong phê duyệt danh mục SGK; tiếp tục tổ chức tốt việc lựa chọn SGK. Lưu ý tính chủ động của các Sở, Thứ trưởng cho rằng, những vấn đề pháp luật không cấm, đúng chức năng nhiệm vụ, không phát sinh thủ tục hành chính và góp phần tăng cường chất lượng quản lý, chuyên môn thì chủ động, không cần đợi Bộ có văn bản. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe để rà soát, có văn bản hướng dẫn chung.

Liên quan đến đề xuất giao thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng tại địa phương cho Sở GD&ĐT, Thứ trưởng ghi nhận và cho biết sẽ quan tâm nội dung này trong rà soát sửa Luật Giáo dục sắp tới…

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn SGK. Riêng về cơ chế, chính sách, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, ban hành quy định về giá tối đa của SGK theo quy định của Luật giá. Xây dựng, đề xuất Chính phủ và Quốc hội để có cơ chế để in ấn, phát hành SGK tiếng dân tộc, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh được biên soạn bằng ngân sách Nhà nước; tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản SGK chữ nổi Braille và SGK điện tử…

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.