Giáo dục thường xuyên phải là nòng cốt cho phong trào 'xóa mù số'
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), hoạt động GDTX phải là nòng cốt, là chỗ dựa cho hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; là nòng cốt thực hiện phong trào bình dân học vụ mới là "Xóa mù số".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MOET |
Chiều 6-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò lịch sử của GDTX trong quá khứ, đó là lịch sử dài, vẻ vang và có đóng góp to lớn cho đất nước; từ phong trào xoá mù chữ, bình dân học vụ ngay khi đất nước giành độc lập, tới hình thành các trường bổ túc văn hoá và sau đó là hệ thống GDTX.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu học tập càng đa dạng thì vị trí của GDTX càng trở nên quan trọng. Do đó, các Trung tâm cần điều chỉnh về nhận thức về công việc của mình. Từ Bộ, sở, đến các trung tâm cần có kế hoạch để đổi mới mảng hoạt động này, để cung cấp nguồn nhân lực trong tương lai.
Theo Bộ trưởng, GDTX cần làm nòng cốt cho việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Hệ thống các trung tâm GDTX, hoạt động GDTX phải là nòng cốt, là chỗ dựa cho hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; là nòng cốt thực hiện phong trào bình dân học vụ mới là "Xóa mù số". Cùng với đó, GDTX là nòng cốt, cùng toàn bộ hệ thống giáo dục tích cực triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết, cả nước có 92 trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đến nay cơ bản đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.
Năm học 2023-2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ (tăng gần 2,8 lần so với năm học trước), trong đó học viên người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%. Số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại các trung tâm là hơn 23,6 triệu lượt người học (tăng gần 7,3 triệu lượt người học so với năm học 2022-2023).
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hạn chế. Ông Hoàng Đức Minh chỉ ra, đó là chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…
Từ thực trạng trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cho rằng chính sách phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên thời gian tới cần tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các giải pháp chính sách phải hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng, cũng như đảm bảo rằng các trung tâm có thể cung cấp những chương trình giáo dục - đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi của xã hội cũng như thị trường lao động.
(Theo baochinhphu.vn)