.

Tiền Giang thực hiện tốt việc kiên cố hóa trường, lớp

Cập nhật: 09:09, 09/12/2024 (GMT+7)

Những năm qua, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, tỉnh Tiền giang đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, chăm lo cho giáo dục, thực hiện kiên cố hóa trường, lớp. Nhờ vậy, chất lượng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh đã không ngừng phát triển, gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ.  

ĐẨY MẠNH KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, trước khi triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp, hệ thống cơ sở vật chất tại nhiều trường học ở Tiền Giang còn thiếu thốn, lạc hậu; đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Nhiều trường học vẫn sử dụng các lớp học tạm bợ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Trường THCS Gia Thuận, huyện Gò Công Đông được đầu tư hiện đại, khang trang, phục vụ cho công tác dạy và học.
Trường THCS Gia Thuận, huyện Gò Công Đông được đầu tư hiện đại, khang trang, phục vụ cho công tác dạy và học.

Việc thiếu thốn trang thiết bị, phòng học chức năng và các điều kiện vật chất khác đã khiến cho nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình giảng dạy như: Các hoạt động thực hành, thí nghiệm và dạy học sáng tạo, nhất là đối với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.

Trước những khó khăn đó, Tiền Giang đã triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp với sự tham gia của nhiều nguồn lực khác nhau, đặc biệt từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của tỉnh và nguồn vốn huy động từ xã hội hóa.

Trong hơn 10 năm qua, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách của Trung ương và tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí 6.311 tỷ đồng; trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT 294 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 16,3 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới 351,7 tỷ đồng. 

Cùng với đó, hằng năm, Sở GD-ĐT lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí để đầu tư, trang bị đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị giáo dục mầm non; thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Tân Phước là vùng đất từng được mệnh danh “rốn phèn, rốn lũ” của tỉnh Tiền Giang. Qua 30 năm thành lập và phát triển, diện mạo giáo dục của huyện Tân Phước đổi thay từng ngày. Từ 16 trường học khi mới thành lập, đến nay, huyện có 26 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS và có 22/26 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non 6/9 trường (66,66%); tiểu học 11/11 trường (100%); THCS 5/6 trường (83,33%), góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 5 về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng, Châu Thành là một trong những địa phương có số lượng trường, lớp và học sinh nhiều nhất tỉnh Tiền Giang, số lượng trường, lớp được xây dựng mới, khang trang ngày càng nhiều. Theo thống kê, toàn huyện có 57 cơ sở giáo dục, trong đó có 23 trường mầm non, 21 trường tiểu học và 14 trường THCS với trên 37 ngàn học sinh.

 Đến nay, toàn huyện có 40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 67,8%. Hiện tại, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trường Mầm non Đông Hòa và Trường Tiểu học Điềm Hy.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, qua 10 năm, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp ở các bậc học đã được nâng lên. Cụ thể, năm 2023, bậc học mầm non đạt 84% (năm 2013, đạt 59,2%), bậc tiểu học đạt 92,1% (năm 2013, đạt 76,6%), bậc THCS đạt 92,2% (năm 2013, đạt 86,6%) và bậc THPT đạt 99,3% (năm 2013, đạt 96,9%).

Cùng với đó, Tiền Giang đã đạt được những kết quả khích lệ trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 376/507 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 74,16%, trong đó bậc mầm non: 130 trường (69,15%), bậc tiểu học: 138 trường (87,34%), bậc THCS: 80 trường (65,04%) và bậc THPT: 28 trường (73,68%). Tỉnh đã xóa bỏ hoàn toàn các trường lớp tạm bợ, thay vào đó là hệ thống cơ sở vật chất kiên cố, khang trang và hiện đại.

TIẾP TỤC QUAN TÂM, ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC

Cùng với việc quan tâm, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 19 trường mầm non ngoài công lập, 120 cơ sở giáo dục độc lập, tư thục; 1 trường tiểu học dân lập và 1 trường THPT tư thục.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, không chỉ cải thiện về cơ sở vật chất, chương trình kiên cố hóa còn giúp Tiền Giang vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chất lượng giáo dục.

Thành tích học tập của học sinh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và thi đỗ vào các trường đại học cũng tăng đều qua từng năm.

Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, trong đó sẽ đẩy mạnh  đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác dạy và học ở các địa phương.

Nhấn mạnh tầm quan trọng GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

Tiến hành rà soát hệ thống trường, lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác nâng chất giáo dục, thường xuyên tự đánh giá trường học theo các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ GD-ĐT ban hành, xem đó là thước đo và làm căn cứ cho việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể, phối hợp với các địa phương trong việc chọn các trường học để quy hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia ở từng năm học.

Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung 2 dự án, đó là xây dựng Trường THPT Tân Mỹ Chánh và Trường THPT Trần Hưng Đạo trên địa bàn TP. Mỹ Tho đáp ứng mục tiêu chuẩn hóa trường lớp theo đúng chuẩn quốc gia mà Bộ GD-ĐT ban hành.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2026 - 2030, Tiền Giang sẽ xây dựng mới Trường THPT Trần Văn Hoài, huyện Chợ Gạo ở địa điểm mới với quy mô lớn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia đảm bảo nhu cầu dạy và học ở địa phương.

Đ.PHI

.
.
.