Tiền Giang: Nhiều kỳ vọng của ngành Giáo dục năm 2025
Năm 2024 khép lại với nhiều kết quả phấn khởi của ngành Giáo dục. Một trong những kết quả lớn mà toàn ngành đạt được đó là đã cơ bản hoàn thành chu trình đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. 2025 là năm được kỳ vọng với nhiều đổi mới trong các chính sách, cũng như thi cử của toàn ngành Giáo dục.
Với những kết quả đạt được trong năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới.
NHIỀU KỲ VỌNG LỚN
Chính sách nhà giáo vẫn là một trong những vấn đề quan tâm lớn nhất của toàn xã hội đối với ngành Giáo dục. Trong đó, quy định lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Nếu điều này được thực hiện sẽ là động lực to lớn để tất cả thầy cô giáo gắn bó với nghề, cũng như người trẻ sẽ quan tâm lựa chọn, cống hiến cho nghề giáo.
Thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ (trong ảnh: Thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè hân hoan chào đón năm học 2024 - 2025) |
Trước những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, hai cơ sở pháp lý quan trọng để kỳ vọng lương nhà giáo sẽ được ưu tiên là Kết luận 91 của Bộ Chính trị về thực hiện căn bản toàn diện GD-ĐT và dự kiến Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV trong năm 2025.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên trường THCS ở TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Nghề giáo là nghề đặc thù, hơn 20 năm theo nghề, qua nhiều ngôi trường khác nhau, tôi đã từng chứng kiến vì nhiều lý do khác nhau đã có rất nhiều thầy cô phải bỏ bục giảng; trong đó, có các thầy cô có gia cảnh khó khăn phải từ bỏ nghề dạy học.
Thật sự, nếu Luật Nhà giáo được thông qua, trong đó, có vấn đề lương nhà giáo được quan tâm thì đây được xem là nguồn động viên, chia sẻ rất lớn đối với anh, chị em đồng nghiệp chúng tôi, là động lực để người trẻ chọn nghề giáo, theo đuổi đam mê dạy học của mình”.
Cùng với các chính sách về nhà giáo, năm 2025, một trong những kỳ vọng lớn của toàn xã hội là sự đổi mới, bứt phá từ Chương trình GDPT năm 2018, trong đó, có vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Năm 2025, được xác định là điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT năm 2018 trọn vẹn đối với 3 cấp học.
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, đánh giá toàn diện, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình. Cùng với đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên thi theo Chương trình GDPT năm 2018, dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 và 27-6 tới. Đây là kỳ thi với rất nhiều điểm mới so với trước đây, mục tiêu quan trọng là đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng.
Cùng với những kỳ vọng lớn về chính sách nhà giáo, đổi mới thi cử trong năm 2025, ngành Giáo dục sẽ tập trung nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông; quản lý chặt chẽ trong công tác dạy nghề; đổi mới tư duy trong đội ngũ cán bộ quản lý…
NGÀNH GIÁO DỤC TIỀN GIANG SẼ LÀM GÌ?
Trước dự kiến về những thay đổi lớn của ngành Giáo dục trong năm 2025, cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với chương trình GDPT, mà cụ thể là triển khai Chương trình GDPT năm 2018.
10 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Tiền Giang năm 2024 Trong năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trong đó có 10 kết quả nổi bật: 5. Chất lượng dạy và học tiếp tục được khẳng định, từng bước được nâng lên: Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,902 điểm - tăng 0,182 so với năm 2023 (năm 2023 là 6,72 điểm), xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Có 32/38 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%. Đ.P.C |
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngành GD-ĐT cần thực hiện nhiều yếu tố, nguồn lực khác nhau, trong đó đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn quan tâm, chăm lo kịp thời cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; các kỹ năng chuyên môn, kiến thức mới đã kịp thời được phổ biến rộng rãi đến đông đảo giáo viên.
Trong năm 2025, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy; tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu theo định mức, trong đó, có những môn mới như: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học.
Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: Mầm non, tiểu học, THCS theo quy định; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Ngoài ra, toàn ngành sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong rất nhiều nhiệm vụ thì một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ tập trung triển khai Chương trình GDPT năm 2018 ở các bậc học.
Đây được xem là nhiệm vụ căn cơ, cốt lõi mang tính chất quan trọng khi Chương trình GDPT năm 2018 đã triển khai ở tất cả các bậc học phổ thông. Chính vì vậy, trong quá trình dạy và học, các cơ sở giáo dục cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới.
Bên cạnh sự nỗ lực từ ngành Giáo dục, trong năm 2025 cũng như trong thời gian tới, toàn ngành Giáo dục rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể; sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để toàn ngành có thể thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
ĐỖ PHI