Học sinh cuối cấp hỏi khó đại diện Bộ GD-ĐT về Thông tư 29 dạy thêm, học thêm
Nhiều học sinh lớp 9 và cả phụ huynh bày tỏ trăn trở, lo lắng trước kỳ thi vào lớp 10 cận kề giữa bối cảnh có những thay đổi trong quy định về dạy thêm, học thêm.
Tại Ngày hội "Tự tin vào lớp 10" được tổ chức mới đây, một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) nêu vấn đề: “Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có mục đích bảo vệ học sinh bị ép buộc học thêm. Song đó chỉ là số ít. Chúng em thấy nếu không được đi học thêm mà ở nhà tự học, ôn tập là một bất cập với học sinh cuối cấp. Giờ đây, học sinh cuối cấp chỉ học chính khóa nửa ngày (buổi sáng) quá ít thời gian và chúng em có thể không được tiếp cận nhiều những kiến thức trong chương trình thi".
Liên quan việc này, một số phụ huynh thắc mắc, các trường dừng tổ chức dạy thêm sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29, liệu có cách nào khác để ôn cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10.
![]() |
Một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) bày tỏ lo lắng trước kỳ thi lớp 10 đang cận kề. |
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đặt câu hỏi ngược với học sinh: “Với một môn học chuẩn bị thi, các em thử cộng xem từ đầu năm đến giờ và xa hơn là cuối chương trình, các em đã làm bao nhiêu bài tập, trả lời bao nhiêu câu hỏi. Các em chia nhóm ra xem trong số đó có bao nhiêu bài dạng giống nhau, bao nhiêu bài khác nhau. Trong những bài khác nhau, bao nhiêu bài khác nhau ít, khác nhau nhiều?
Việc thứ hai, trong môn đó, các em hãy thống kê có bao nhiêu công thức cần dùng để giải các bài tập và với từng ấy công thức bao nhiêu thứ phải nhớ. Nếu làm được những việc trên, các em sẽ rất tự tin bởi biết rằng môn học chỉ có từng đó công thức, chỉ cần nhớ các dạng bài tập, không cần nhớ đến mấy trăm bài”.
Ông Thành cho rằng, muốn có sự tự tin đó trước kỳ thi vào lớp 10, học sinh hãy chủ động tự học, tự xây dựng kế hoạch ôn tập.
“Nếu như chúng ta cứ ngày nào cũng đến trường phải chờ thầy cô dạy rồi đưa phiếu học tập, các lời giải, làm xong chờ thầy chữa mới dám tin là mình đúng sẽ khó có sự tự tin”, ông Thành nói.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). |
Ông Thành cũng nhấn mạnh, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chỉ dành cho 3 đối tượng, trong đó vẫn có “học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
“Như vậy các nhà trường có thể tổ chức. Nhưng tổ chức việc dạy thêm cần ít thôi, còn tổ chức việc học thêm cần nhiều hơn. Học thêm tức là nêu cao tính tự học, tự bổ sung kiến thức của học sinh. Nếu còn không gian, các trường sẽ mở cửa cho học sinh có thể đến tự học hoặc học cùng bạn... Khi làm bài, các em không hiểu có thể chủ động hỏi thêm và thầy cô chắc chắn sẽ trả lời. Đừng đòi thầy cô dạy nhiều nữa, hãy tự học nhiều hơn. Bởi trong từng ấy thời gian, thầy cô cứ dạy, cứ đưa bài mãi các em lấy đâu thời gian để học? Trong khi thứ các em cần là trong bản thân chứ không phải trong quyển vở mình cầm về”, ông Thành nói.
Chia sẻ thêm về câu chuyện ôn thi và “làm gì để thi đỗ nếu không còn dạy thêm trong nhà trường”, ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Để ôn thi tốt, cần đặt ra và chia sẻ mục tiêu đối với từng môn học, trong đó hướng tới khắc phục những môn mình còn yếu, củng cố môn mình học tốt. Cần xây dựng kế hoạch chia nhỏ tuần này làm chuyên đề gì, tháng này làm nội dung nào đối với từng môn. Các em tránh việc ôm quá nhiều tại một thời điểm và phải dành nhiều thời gian cho việc tự học, 2-3 tiếng trong ngày".
Theo ông, tự học không có nghĩa là “ngắt kết nối” với thầy cô. Các em vẫn có thể kết nối qua điện thoại để hỏi thầy cô về những vấn đề mình còn thiếu, cần quan tâm. Muốn tự học phải có tài liệu, có thể là phiếu học tập, đề kiểm tra do thầy cô đang giảng dạy trên lớp cung cấp liên quan tới các chuyên đề ôn tập.
"Các em hoàn toàn có thể nhờ thầy cô tư vấn sách, tài liệu tham khảo hiệu quả. Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo các đề thi thử của các trường/địa phương; tự kiểm tra qua việc làm thử các bài thi nghiêm túc, bấm giờ đầy đủ để học cách phân bổ thời gian làm bài”, ông Thông cho hay.
![]() |
Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội. |
Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng học sinh cần xây dựng kế hoạch cụ thể mỗi ngày. “Các phương tiện thông tin và kỹ thuật hiện đại rất quan trọng nhưng chúng ta phải cực kỳ nghiêm khắc với bản thân. Nếu không, các em có thể bị lệ thuộc, trở thành nô lệ của chúng. Bên cạnh đó, trước những bài tập, câu hỏi, các em thay vì hỏi ‘thầy/cô ơi, làm như thế nào?’ hãy đề cao vai trò chủ động hơn bằng việc tự làm trước và các câu hỏi sẽ là ‘em làm như thế này có ổn không/đã đúng chưa?”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, muốn có sự tự tin, học sinh phải học, chuẩn bị trước thay vì tâm thế chờ đợi. Đây là bí kíp để các em thành công.
(Theo vietnamnet.vn)