.

Tạo công bằng, thuận lợi và động lực học tập cho thí sinh

Cập nhật: 13:27, 22/02/2025 (GMT+7)

Để bảo đảm sự công bằng, thuận lợi trong xét tuyển, cũng như chất lượng học tập lớp 12 của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường đại học đã xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, chuẩn bị các bước tiến tới triển khai công tác xét tuyển năm 2025. 

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2024 tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2024 tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

 

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, công tác tuyển sinh bộc lộ nhiều bất cập khi các trường đại học có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa bảo đảm công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống xét tuyển chung. Việc xét tuyển sớm tạo nhiều khó khăn trong việc dự báo thí sinh ảo và có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này.
 
Khi thí sinh trúng tuyển sớm trước khi tốt nghiệp THPT thường không tập trung học tập nốt chương trình lớp 12; các trường đại học chỉ quan tâm đến số thí sinh đã trúng tuyển sớm vào trường mình, số chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh rất ít dẫn đến điểm trúng tuyển quá cao, tạo ra sự thiếu công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt giữa các thí sinh.
 
Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những năm trước đây, theo quy chế tuyển sinh, các trường có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, việc xét tuyển sớm gây ra nhiều bất cập, thiếu công bằng.
 
Vì vậy, từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ quy định xét tuyển sớm, tất cả các phương thức sẽ được xét chung một đợt. “Không phải vì xét tuyển sớm thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bảo đảm thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, những em có năng lực đều có cơ hội trúng tuyển, không làm mất đi cơ hội của bất kỳ ai. Thí sinh có thể yên tâm tham gia vào kỳ tuyển sinh”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
 
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, Bộ vẫn xét tuyển thẳng đối với các thí sinh thuộc diện tài năng, xuất sắc, vượt trội. Ngoài ra, điểm mới trong tuyển sinh 2025 là các trường sẽ xét học bạ tính hết kết quả học tập lớp 12 của thí sinh thay vì chỉ dùng kết quả học tập từ 3-5 học kỳ như những năm trước nhằm tránh tình trạng giáo viên, thí sinh buông lỏng việc dạy học kiến thức lớp 12, vốn là năm bản lề và là nền tảng để tiếp tục bước vào giai đoạn học tập sau này…
 
Các quy định mới này sẽ tháo gỡ nhiều bất cập tuyển sinh, đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT cũng như tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển.
Chia sẻ về những điểm mới dự kiến trong công tác tuyển sinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, Tiến sĩ Lê Anh Đức cho biết, nhà trường cũng nhận thấy những bất cập và đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thích ứng với sự thay đổi của quy chế tuyển sinh mới. Các phương thức xét tuyển trong toàn hệ thống chỉ được thực hiện sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này bảo đảm công bằng và thuận lợi hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành Quy chế để các cơ sở đào tạo xây dựng, điều chỉnh phương án tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh chủ động trong học tập, thi cử.
 
PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, việc bỏ xét tuyển sớm nhằm tạo ra một sân chơi chung, an toàn và công bằng cho tất cả các trường. Thời gian qua, xét tuyển sớm đã gây ra không ít rối loạn cho các trường THPT. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, nhiều học sinh lớp 12, nhất là từ học kỳ 2 thường không tập trung học tập vì đã biết trước kết quả trúng tuyển. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và gây xáo trộn trong quá trình dạy-học. “Chúng tôi không muốn vì sự cạnh tranh giữa các trường đại học mà làm ảnh hưởng đến sự ổn định của bậc THPT” - PGS, TS Nguyễn Đào Tùng cho biết.
 
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường đại học Mở Hà Nội, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh cho biết: Còn quá sớm để đánh giá việc bỏ xét tuyển sớm có tác động như thế nào đối với hoạt động tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học bởi mỗi đơn vị có một kế hoạch tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc bỏ xét tuyển sớm làm cho công tác quản lý tuyển sinh tập trung hơn, góp phần bảo đảm công bằng cho các thí sinh. Những thay đổi ở thời điểm hiện tại cũng đủ thời gian để các trường điều chỉnh đề án và kế hoạch tuyển sinh của năm 2025.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công tác tuyển sinh về cơ bản ngày càng bảo đảm khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo; ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
 
Năm 2025 và các năm tiếp theo Bộ sẽ tiếp tục cải tiến quy trình tuyển sinh, bảo đảm tính khoa học và hiệu quả, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng; tạo sự tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
 
(Theo nhandan.vn)
 

 

.
.
.