.

Chọn ngành, nghề trước ngưỡng cửa quan trọng cuộc đời

Cập nhật: 09:05, 11/03/2025 (GMT+7)

Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiều thay đổi theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Những điều chỉnh này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn ngành, nghề của học sinh lớp 12, đòi hỏi các em phải cân nhắc kỹ lưỡng cho chặng đường phía trước.

NGÀNH NGHỀ NÀO CŨNG QUAN TRỌNG

Trong thời đại ngày nay, khi xã hội phát triển mạnh mẽ và công nghệ không ngừng thay đổi, mọi ngành nghề đều có vai trò quan trọng và đóng góp vào sự vận hành chung của nền kinh tế. Không có ngành nào là kém quan trọng hơn ngành nào, bởi mỗi lĩnh vực đều đáp ứng một nhu cầu thiết yếu của con người. 

Chính vì thế, theo các chuyên gia tư vấn, thay vì chạy theo những ngành “hot” hay bị ảnh hưởng bởi định kiến, mỗi người nên lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và đam mê của mình.

Một trong nhiều câu hỏi gây chú ý tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025 là: “Có phải học ngành Luật muốn xin việc dễ dàng thì phải có người thân làm trong ngành không?”. 

Trả lời câu hỏi trên, Thạc sĩ Lê Văn Hiển, phụ trách Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu có người thân đang công tác trong ngành, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc thực tế sớm hơn, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng từ những người đi trước. Điều này có thể mang lại một số thuận lợi nhất định, nhưng không phải yếu tố quyết định đến việc làm sau này.

Thí sinh đặt câu hỏi tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025.
Thí sinh đặt câu hỏi tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025.

Theo phân tích của Thạc sĩ Hiển, trong ngành Luật, sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu mới chỉ nắm vững kiến thức nền tảng, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, những ai có người thân làm việc trong lĩnh vực này có thể được hướng dẫn thêm, giúp họ nhanh chóng thích nghi với công việc. 

Tuy nhiên, nếu cho rằng chỉ cần có “gốc gác” là chắc chắn có việc làm thì không hoàn toàn chính xác. Bởi hiện nay, hầu hết các vị trí trong các cơ quan nhà nước đều được tuyển dụng thông qua các kỳ thi công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ. Việc trang bị thêm ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cũng sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai.

Cùng với đó, nhiều học sinh quan tâm, nếu theo học tại trường đại học địa phương, sinh viên có thể cọ xát nghề nghiệp khi còn ở giảng đường hay không?; tỷ lệ có việc làm có cao hay không?. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang thông tin, năm 2025, Trường Đại học Tiền Giang dự kiến tuyển sinh 1.870 chỉ tiêu; trong đó, có 16 ngành thuộc hệ chính quy ngoài sư phạm; dự kiến tuyển 1 ngành Đại học Sư phạm Giáo dục Tiểu học, 1 ngành Cao đẳng Sư phạm Mầm non và 7 ngành hệ vừa học vừa làm. 

Có 4 phương thức xét tuyển vào Trường Đại học Tiền Giang: Phương thức 1, xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT. Phương thức 2, xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Phương thức 3, xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh đại học hiện hành. Phương thức cuối cùng là xét điểm của thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực.

BÌNH TĨNH, TÍNH TOÁN LỰA CHỌN NGÀNH, NGHỀ

Chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ chính thức bắt đầu. Thời gian còn lại không dài và đây chính là giai đoạn khó khăn đối với học sinh lớp 12. Bởi, cùng lúc các em sẽ giải quyết 2 việc: Thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, hơn ai hết, học sinh cần bình tĩnh, suy nghĩ, tính toán thận trọng để có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho cuộc đời của mình.

TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH - HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2025

Trường Đại học Tiền Giang, Bộ GD-ĐT phối hợp với Báo Tuổi Trẻ,  Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025.

Tại chương trình, hơn 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được Ban Tổ chức tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.

Chương trình tư vấn tuyển sinh được chia làm 3 phần: Tư vấn chung, tư vấn chuyên sâu và tư vấn trực tiếp. Ở phần tư vấn chung, học sinh được Ban Tư vấn chia sẻ về những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025… Ở phần tư vấn chuyên sâu, Ban Tư vấn tuyển sinh của các trường đại học giải đáp các thắc mắc về chỉ tiêu xét tuyển, cơ hội việc làm, những lưu ý khi nộp hồ sơ xét tuyển các ngành: Kinh tế, Sư phạm, Du lịch, Báo chí… 

Cuối cùng là phần tư vấn trực tiếp, học sinh sẽ trao đổi trực tiếp với các thầy cô đại diện một số trường như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh… về các ngành nghề đào tạo của trường, điểm chuẩn qua các năm, cơ hội học bổng, cơ hội việc làm của từng ngành…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phân hóa theo hướng đánh giá năng lực của người học so với các đề thi năm trước, tập trung rất nhiều vào kiến thức vận dụng, kiến thức và thực tế. 

Do vậy, học sinh cần lưu ý trong quá trình học tập, không chỉ cần học để biết, học thuộc lòng như ngày xưa nữa, mà phải hiểu tại sao cần áp dụng kiến thức vào thực tế.

Việc quan trọng nhất của các em trong giai đoạn này là bên cạnh tập trung học tập, ôn thi thì các em nên tìm hiểu thông tin trong quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh trên các website của các trường. 

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu rõ vị trí việc làm, năng lực bản thân trước khi chọn ngành đăng ký. Trong nhiều mùa tuyển sinh trước, vẫn có tình trạng sinh viên sau khi trúng tuyển mới nhận thấy ngành học không phù hợp với bản thân mình.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, vì vậy học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra lựa chọn phù hợp. Theo đó, có 3 điều quan trọng: Trước tiên, phải tập trung hoàn thành chương trình học và ôn tập thật tốt cho kỳ thi tốt nghiệp; tiếp đó, xem xét kỹ các nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng; cuối cùng, giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực để đạt kết quả tốt nhất.

ĐỖ PHI

.
.
.