Thứ Năm, 24/04/2025, 09:17 (GMT+7)
.

2 giáo sư lĩnh vực giáo dục được vinh danh dịp 50 năm thống nhất đất nước

Giáo sư Trần Văn Giàu và giáo sư Đặng Lương Mô là 2 cá nhân thuộc lĩnh vực giáo dục, được vinh danh vì những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM giai đoạn 1975-2025.

60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM 50 năm qua vừa được tôn vinh. Trong số này, lĩnh vực giáo dục có 2 người là giáo sư Trần Văn Giàu và giáo sư Đặng Lương Mô.

Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) là nhà cách mạng, giáo sư sử học, Anh hùng lao động, nguyên Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

Cố giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: site Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Cố giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: site Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)


Ông là người lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8 tại Sài Gòn và quyết định nổ súng đánh Pháp ngày 23-9-1945 đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Ông cũng là Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam, người thầy của nhiều thế hệ nhà sử học, từ miền Bắc đến sau ngày thống nhất Tổ quốc. Ông sáng lập Giải thưởng Trần Văn Giàu và tổ chức trao tặng hằng năm cho các tác giả có công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ cũng như khu vực Nam Trung Bộ.

Giáo sư Đặng Lương Mô đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại đại học của Mỹ. Với những thành tựu đó, GS.TS Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992.

Khi trở về nước, GS Đặng Lương Mô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, như: Thiết lập Phòng thí nghiệm mô phỏng và Thiết kế vi mạch (gọi tắt là Phòng thí nghiệm FPGA) tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2000.

Giáo sư Đặng Lương Mô. Ảnh: Báo SGGP
Giáo sư Đặng Lương Mô. Ảnh: Báo SGGP

Ông đã đề xuất thiết lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TPHCM năm 2005. Trung tâm này đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch, đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.

Ông cũng là người đề xuất, xây dựng chương trình sau đại học về thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TPHCM). Đây là chương trình sau đại học chính quy đầu tiên của một đại học Việt Nam được giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của đông đảo giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Chương trình đã đào tạo ra hàng trăm thạc sĩ về thiết kế vi mạch.

(Theo vietnamnet.vn)

.
.
.