Lê Nguyễn Ngọc Vy và mô hình Tái hiện đình Long Hưng
Với mong muốn tạo ra đồ dùng dạy học và với giới thiệu cho các bạn trẻ về một di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Tiền Giang gắn với Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, em Lê Nguyễn Ngọc Vy (Trường Tiểu học Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã tái hiện lại mô hình đình Long Hưng, nơi được xem là chiếc nôi của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Mô hình này được trao giải Ba Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng huyện Châu Thành lần thứ XVII (2024 - 2025).
![]() |
Theo em Lê Nguyễn Ngọc Vy, trong năm 2024, Vy may mắn được tham gia chuyến du khảo về nguồn tại đình Long Hưng do Trường Tiểu học Dưỡng Điềm tổ chức và em nảy sinh ý tưởng tái hiện lại ngôi đình cổ, gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Chuyến du khảo đã giúp mở rộng kiến thức và để lại trong Vy nhiều ấn tượng sâu sắc. Nơi đây vào năm 1940, thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ và dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đúng 1 giờ ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ và đình Long Hưng được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở. Sự kiện quan trọng nhất mà Vy được biết là lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên cây bàng ở sân đình.
Mô hình được em tái hiện gồm: Đình Long Hưng, quyển nhật ký và video clip kèm theo. Kết cấu đình được thiết theo lối kiến trúc của thập niên năm 1940. Các vật liệu làm nên mô hình phần lớn có nguồn gốc từ thiên nhiên do em sưu tầm và chế tác gồm: Tấm gỗ đã qua sử dụng, cát, tre, lá trung quân, nhánh và lá bàng, tranh vẽ Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ…
Trong đó, ngôi đình được lắp ghép từ các vật liệu như: Tre (cột, vách); lá trung quân (lợp mái); nền đất (sử dụng cát trộn với keo sữa); phía trước đình tái hiện bàn xử án của Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho. Đặc biệt, cây bàng trước cổng đình ngày trước được sử dụng làm cột cờ được em tái hiện bằng vật liệu thật (lá và nhánh cây bàng) có sử dụng mô-tơ điện mi ni vận hành 2 chiều để giương và hạ cờ.
Quyển nhật ký bao gồm: 4 bức tranh do em vẽ tay, khắc họa những trang sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, bao gồm: (1) Sự kiện 4 vị lãnh đạo tuẫn tiết ở Gò Me và vụ thảm sát ở chợ Giữa Vĩnh Kim; (2) Tòa án Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc xét xử bọn phản cách mạng; (3) Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939); (4) Bối cảnh trước khi xảy ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Kèm theo hồ sơ dự thi là đoạn video clip với độ dài chỉ hơn 2 phút nhưng đã giới thiệu một cách khái quát về bối cảnh nước ta nói chung và tỉnh Mỹ Tho nói riêng trong những thập niên đầu thế kỷ XX, phải cùng lúc chịu 2 tầng áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
Với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn, Vy đã hoàn chỉnh đoạn video clip trên và đăng tải lên trang youtube. Độc giả có thể xem clip qua đường link hoặc quét mã QR. Đặc biệt, lời thoại thuyết minh cho video clip được cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng kết hợp tạo phụ đề bằng Tiếng Anh để người nước ngoài có thể tìm hiểu, tra cứu được thuận lợi.
Cô Nguyễn Thị Khuyến, giáo viên môn Mỹ thuật (Trường Mầm non Dưỡng Điềm) nhận xét: “Mô hình của Ngọc Vy được thực hiện rất công phu, sử dụng chất liệu có sẵn, thân thiện với môi trường; trong đó, lá trung quân dùng lợp mái đình được người thân của em gửi về từ khu vực rừng Chàng Riệc (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh); đôi rồng trên mái đình được tái chế từ những hạt cẩm thạch của chiếc vòng đeo tay cũ kết hợp đất sét và thạch cao. Hay việc tái hiện cây bàng trước sân đình, cũng được em thực hiện khá tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết để giống như cây thật...”.
Mô hình do Ngọc Vy tạo ra không chỉ được sử dụng làm đồ dùng dạy học các môn Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý, trưng bày ở thư viện, góc học tập... mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh anh hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Đặc biệt, video clip còn được xem là quyển sách nói có giá trị tham khảo cho những ai quan tâm (kể cả du khách nước ngoài) khi đến với đình Long Hưng, ngôi đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
VĂN XĨ - T.L