.
LỜI GIẢI NÀO CHO BÀI TOÁN CHẤT LƯỢNG NHÓM TRẺ NGOÀI CÔNG LẬP

Bài 2: Những vấn đề đặt ra trong quản lý chất lượng nhóm trẻ ngoài công lập

Cập nhật: 08:33, 10/04/2025 (GMT+7)

Bài 1: Nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng trường, lớp không đủ đáp ứng

Trước thực tế số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư và lao động, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở Tiền Giang đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình. Mô hình này không chỉ giúp giảm tải cho khối công lập, mà còn mở rộng thêm lựa chọn cho phụ huynh. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh là những thách thức trong công tác quản lý: Từ điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của đội ngũ đến việc đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ. Hiện nay, vẫn còn không ít cơ sở hoạt động chưa được cấp phép, giáo viên chưa qua đào tạo bài bản, khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường quản lý; đồng thời, đồng hành cùng các cơ sở tư thục để vừa bảo đảm chất lượng chăm sóc, vừa định hướng phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết đặt ra với ngành Giáo dục và chính quyền địa phương.

GIẢM TẢI CHO TRƯỜNG CÔNG LẬP

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh tại Tiền Giang ngày càng tăng cao, nhất là ở những địa bàn có khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp như: TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, … 

Tăng cường xã hội hóa giáo dục, đầu tư cho mạng lưới trường, nhóm trẻ mầm non ngoài công lập đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ  của người dân (ảnh chụp tại Lễ khai trương Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ, huyện Chợ Gạo).
Tăng cường xã hội hóa giáo dục, đầu tư cho mạng lưới trường, nhóm trẻ mầm non ngoài công lập đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ của người dân (ảnh chụp tại Lễ khai trương Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ, huyện Chợ Gạo).

Với đặc thù công việc theo ca, thời gian linh hoạt và khối lượng công việc lớn, nhiều phụ huynh không thể tự chăm sóc con nhỏ, mà phải trông cậy vào các cơ sở giữ trẻ. Áp lực từ thực tế đó đặt ra yêu cầu phải mở rộng mạng lưới giáo dục mầm non, đặc biệt là tại các khu vực có đông lao động nhập cư.

Trước tình hình đó, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục (CSGDMNTT) đã được thành lập, đáp ứng kịp thời nhu cầu gửi trẻ của các gia đình. Không ít cơ sở nằm gần KCN, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con trong thời gian làm việc. Thời gian nhận - trả trẻ linh hoạt, thậm chí có những nơi nhận giữ trẻ ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho nhiều gia đình công nhân.

Toàn huyện Châu Thành hiện có 23 trường mầm non, tổng số nhóm, lớp là 212; có 21 CSGDMNTT, bao gồm 2 nhóm trẻ gia đình. Cùng với các trường mầm non công lập, các CSGD MNTT được thành lập đã góp phần tăng tỷ lệ trẻ ra lớp. Theo đó, năm học vừa qua, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 14,67% (555/3.783), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 5,47%, tăng 4,53% so với năm học trước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 81,03% (6.981/8.615), vượt kế hoạch 4,73% và tăng 4,76% so với năm học trước.

Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành Võ Văn Dũng đánh giá: “Số lượng trẻ của địa phương, đặc biệt tại những nơi có KCN là rất lớn và ngày càng tăng. Do vậy, các CSGDMNTT được thành lập, góp phần giảm tải cho các trường công lập, hiện giải quyết nhu cầu ra lớp cho rất nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Châu Thành”.

Còn tại TX. Cai Lậy, hiện có 13 CSGDMNTT, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ em của cộng đồng. Nhờ vào sự phát triển của các cơ sở này, người dân địa phương và dân nhập cư, đặc biệt là công nhân đã có thêm lựa chọn an tâm gửi trẻ. 

Điều này không chỉ giúp các bậc phụ huynh yên tâm làm việc, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát triển kinh tế gia đình. Môi trường giáo dục mầm non tại đây không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, mà còn hỗ trợ tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non, bao gồm 170 trường mầm non công lập và 18 trường mầm non ngoài công lập. Bên cạnh đó, còn có 133 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục. Tổng số nhóm, lớp hiện có là 1.834, trong đó có 269 nhóm nhà trẻ và 1.563 lớp mẫu giáo. 

Có thể thấy, ngoài hệ thống các trường mầm non công lập, việc phát triển các CSGDMNTT cũng giúp giảm tải cho các trường công lập - vốn đang chịu áp lực lớn về sĩ số. Sự vào cuộc của khối tư thục giúp san sẻ gánh nặng; đồng thời, tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Bên cạnh đó, một số cơ sở tư thục đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ và áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hiện đại. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao mặt bằng chung của giáo dục mầm non tại địa phương. Nhiều phụ huynh cũng bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ và phương pháp chăm sóc, thay vì chỉ đặt tiêu chí “gửi được” lên hàng đầu.

VẪN CÒN KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN

Theo Sở GD-ĐT, về cấp phép hoạt động, chỉ cấp phép hoạt động cho các CSGDMNTT khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Hiện nay, tất cả các trường mầm non ngoài công lập đều do các Phòng GD-ĐT trực tiếp quản lý. Riêng các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tư thục thì trường mầm non trên địa bàn cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý các nhóm trẻ này. 

Những ngày qua, dư luận tại huyện Tân Phước hết sức phẫn nộ trước việc một người phụ nữ có hành vi bạo hành trẻ em tại cơ sở giữ trẻ chưa được cấp phép. 

Một lãnh đạo huyện Tân Phước chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu sự lo lắng và phẫn nộ của dư luận về sự việc này. Việc quản lý các cơ sở giữ trẻ tại một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhưng mỗi khi đoàn kiểm tra đến, cơ sở này lại ngừng hoạt động, hoặc họ nói chỉ giữ con, cháu của bà con trong khu vực. 

Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ lại tiếp tục hoạt động bình thường. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tuyên truyền, định hướng các điểm giữ trẻ này thực hiện đúng giấy phép, song đâu cũng vào đó. Điều này khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc giám sát và ngăn chặn các hành vi sai trái”. 

Còn theo thống kê mới nhất của ngành chức năng huyện, toàn huyện có 3 nhóm trẻ tư thục được cấp phép. Ngoài ra, còn có 6 điểm giữ trẻ gia đình tự phát ở các xã Tân Lập 1, Phước Lập, Phú Mỹ và thị trấn Mỹ Phước.

Tất cả giáo viên chăm sóc trẻ đều được đào tạo chuyên ngành về giáo dục mầm non, ít nhất phải tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non. Đối với người làm công tác quản lý, phải được đào tạo về nghiệp vụ quản lý, có thời gian làm công tác quản lý tại các cơ sở này.

Theo ngành Giáo dục tỉnh, trong mỗi năm học, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các CSGDMNTT, đặc biệt là công tác quản lý chuyên môn và việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, trong công tác quản lý các cơ sở này nổi lên một số vấn đề thường xuyên được giám sát, nhắc nhở, đó là vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện giáo viên, nhân viên, chương trình giảng dạy… 

Với những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp qua mỗi đợt kiểm tra tại các chủ cơ sở sẽ được ngành Giáo dục, các địa phương tăng cường nhắc nhở, tổ chức họp rút kinh nghiệm; đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn.

Trong bối cảnh các CSGDMNTT tại Tiền Giang phát triển mạnh, việc nâng cao chất lượng quản lý và giám sát là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn và chất lượng. Dù các CSGDMNTT góp phần giảm tải cho các trường công lập và đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên và an toàn cho trẻ. 

Do đó, công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, không chỉ qua các đợt kiểm tra định kỳ mà còn phải chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tư thục, tạo sự công bằng trong lựa chọn dịch vụ giáo dục; đồng thời, hỗ trợ các cơ sở phát triển bền vững.

V. PHƯƠNG

(còn tiếp)



 

.
.
.