Ổn định, phát triển trong giai đoạn mới
Sau khi thực hiện sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp bước vào giai đoạn chuyển mình mới, đây là động lực, cơ hội để ngành GD-ĐT tỉnh đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.
Ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp có quy mô tổ chức mở rộng, nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý hành chính có nhiều thay đổi đáng kể.
NHỮNG TIỀN ĐỀ VỮNG CHẮC
Trước yêu cầu mới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp xác định cần có cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt hơn trong công tác điều hành và triển khai nhiệm vụ. Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh đang từng bước xác lập các phương hướng hoạt động phù hợp, ổn định tổ chức bộ máy, đảm bảo chất lượng dạy học; đồng thời, tạo nền tảng cho những chuyển biến tích cực và phát triển bền vững trong toàn hệ thống.
![]() |
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp thăm, động viên học sinh tại Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp. |
Sau sáp nhập Sở GD-ĐT hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp mới hình thành một hệ thống giáo dục quy mô lớn, với tổng cộng 1.068 cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất với 360 trường, kế đến là tiểu học 389 trường, THCS 257 trường, THPT 50 trường. Ngoài ra, tỉnh còn có 9 trung tâm giáo dục thường xuyên và 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
So với từng tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp trước đây, hệ thống sau sáp nhập đòi hỏi sự điều phối chặt chẽ hơn về nhân sự, cơ sở vật chất và quy trình quản lý. Việc tổ chức lại mạng lưới trường lớp cũng đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc phù hợp với đặc điểm địa lý và nhu cầu học tập của người dân từng vùng.
Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tại tỉnh Đồng Tháp mới sau sáp nhập cho thấy, những tín hiệu ổn định ở các bậc học nền tảng. Cụ thể, bậc nhà trẻ đạt 35,55%, đây là bậc học còn nhiều khó khăn trong công tác huy động trẻ đến trường, đặc biệt là những vùng nông thôn. Trong khi đó, bậc mẫu giáo đạt 95,48%, tỷ lệ này cho thấy, ngành đã duy trì tốt mạng lưới giáo dục mầm non trong điều kiện sáp nhập hành chính hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
"Trong thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp rất mong sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, để toàn ngành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ GD-ĐT, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và chất lượng của giáo dục tỉnh trong giai đoạn mới”. TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH ĐỒNG THÁP |
Ở bậc tiểu học, tỷ lệ huy động đạt 99,5%, phản ánh hiệu quả rõ nét của chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và nỗ lực phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương trong việc vận động học sinh đến lớp.
Bậc THCS đạt tỷ lệ 96,68%, cho thấy việc duy trì sĩ số sau tiểu học vẫn được đảm bảo tương đối tốt. Tỷ lệ ở bậc THPT đạt 70,76%, công tác phân luồng sau THCS được triển khai thực hiện tốt, góp phần định hướng học sinh lựa chọn phù hợp giữa học tiếp lên THPT, học nghề hoặc tham gia thị trường lao động. Đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển nguồn nhân lực địa phương theo hướng đa dạng và bền vững.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, hệ thống trường lớp từ giáo dục mầm non đến phổ thông đã được đầu tư, mở rộng khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia có sự phân hóa rõ nét giữa các bậc học.
Cụ thể, bậc mầm non đạt 72,58%, phản ánh sự chú trọng ngày càng lớn đến giáo dục đầu đời; tiểu học đạt 77,87%; THCS đạt 70,91%; trong khi bậc THPT dẫn đầu với tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia lên đến 81,11%.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, sau khi hợp nhất Sở GD-ĐT hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, các công việc trong ngành ổn định, sắp xếp hợp lý, tạo tiền đề thuận lợi để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tổ chức đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; đồng thời, có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng, gắn với quá trình rà soát, sắp xếp, tinh giản biên chế theo hướng đảm bảo cơ bản số lượng và chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu dạy học.
Bên cạnh đó, việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản trị và tinh thần chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hiệu quả hoạt động tại từng đơn vị.
CHUẨN BỊ CHO NĂM HỌC 2025 - 2026
Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp sau hợp nhất đặt ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm giữ vững quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn rộng lớn. Đáng chú ý là những con số kỳ vọng về tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ở tất cả các bậc học, phản ánh quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
![]() |
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp thăm, động viên học sinh tại Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp. |
Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sau hợp nhất đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như sau: Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi, đối với nhà trẻ 27,64%, mẫu giáo 91,98%, tiểu học 99,5%, THCS 97,05%, THPT 79%.
Về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, tỉnh đặt ra mục tiêu: Bậc mầm non đạt 69,48%, tiểu học 73,64%, THCS 68,08% và THPT 74,4%. Những chỉ tiêu đề ra thể hiện quyết tâm của ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp trong việc ổn định hệ thống sau sáp nhập.
Trong bối cảnh vừa hợp nhất và đang từng bước ổn định tổ chức bộ máy, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp xác định rõ việc rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập là nhiệm vụ quan trọng. Việc sắp xếp không làm theo hướng cơ học, mà đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, vẫn đảm bảo quyền học tập của con em trên từng địa bàn.
Một trong những vấn đề hiện nay là thực hiện tốt công tác đội ngũ nhà giáo, nhất là ở các khối lớp đang và sắp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tiếp tục triển khai thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tương xứng với bằng cấp và đảm bảo năng lực để thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT đúng quy định, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Tham mưu UBND tỉnh cử nhà giáo và cán bộ quản lý đi đào tạo, nâng trình độ chuẩn với số lượng và tỷ lệ hợp lý đối với từng ngành học, bậc học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn ngành GD-ĐT của tỉnh.
Song hành với nhân sự, cơ sở vật chất cũng là một trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kịp thời.
Rà soát, điều chỉnh các phòng chức năng chưa đạt diện tích tiêu chuẩn, ưu tiên đầu tư tại các khu vực khó khăn. Đây là điều kiện then chốt để đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để đảm bảo năm học mới 2025 - 2026 diễn ra đúng kế hoạch, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ chỉ đạo khai giảng năm học 2025 - 2026 theo đúng khung thời gian của tỉnh; đồng thời, hoàn thành đầy đủ các loại báo cáo định kỳ và cuối năm theo quy định. Công tác đánh giá chu kỳ đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng sẽ được tiến hành trong thời gian này để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, vận hành tốt Tổng đài dịch vụ công và hoàn tất các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Đặc biệt, Đồng Tháp tiếp tục triển khai Đề án Chuyển đổi số ngành Giáo dục, đẩy mạnh truyền thông đổi mới giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng tin, bài trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, ngành cũng kiên định với nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tập trung vào quản lý, giảng dạy và xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm. Đây là một trong những biện pháp giúp siết chặt kỷ cương trường học trong giai đoạn chuyển tiếp. Cùng với đó, công tác điều hành tài chính tại các trường cũng được chú trọng, đảm bảo đúng quy định, minh bạch, phục vụ tốt hoạt động dạy học.
ĐỖ PHI