Thấy gì qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025?
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm sáng, thể hiện sự nỗ lực của thầy và trò các trường. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đồng Tháp phải nhìn nhận, phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, nhất là trong giai đoạn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.
CẢI THIỆN MÔN TOÁN VÀ NGOẠI NGỮ
Theo thống kê, mặt bằng chung điểm thi của học sinh Đồng Tháp ở một số môn đã có sự cải thiện. Các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật đạt điểm trung bình khá cao, nhiều môn vượt mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên vẫn chưa đạt kỳ vọng. Môn Ngoại ngữ và Toán cũng là hai lĩnh vực cần được tập trung cải thiện hơn nữa.
![]() |
Từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cần tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy theo đúng định hướng Chương trình GDPT mới. |
Để có được những chuyển biến tích cực đó là sự nỗ lực rất lớn từ các trường THPT và đội ngũ giáo viên. Ngay từ đầu năm học, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh. Giáo viên từng bộ môn thường xuyên trao đổi chuyên môn, điều chỉnh cách dạy để giúp học sinh dễ tiếp cận kiến thức hơn.
Nhiều thầy cô đã tranh thủ thời gian ngoài giờ chính khóa để kèm thêm cho các em học sinh yếu, tạo thêm cơ hội rèn luyện. Sự đồng hành sát sao giữa giáo viên và học sinh là yếu tố quan trọng giúp các em tự tin hơn khi bước vào kỳ thi.
Ngay sau khi kết thúc chương trình chính khóa và kỳ thi học kỳ 2, các trường THPT trong tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Các trường xây dựng thời gian biểu ôn tập cụ thể, phân loại học sinh theo năng lực để tổ chức kèm cặp, hỗ trợ những em còn yếu, giúp các em tiếp thu được những kiến thức cơ bản nhất tham gia dự thi. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em; đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình ôn luyện.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, ngôi trường nhiều năm liền có tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100% cho biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp không chỉ phản ánh quá trình học tập của học sinh, mà còn là thước đo cho sự vận hành của cả nhà trường. Muốn học sinh đạt kết quả tốt, nhà trường phải tổ chức dạy học sát với thực tế, phân loại rõ học sinh, đặc biệt là hỗ trợ tối đa cho các em yếu, kém ngay từ đầu năm học.
Cùng với quan điểm đó, thầy Huỳnh Văn Hữu, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Huân cho biết, trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập ngay từ đầu năm học. Mỗi giáo viên được giao nhiệm vụ bám sát từng lớp, từng nhóm đối tượng học sinh.
Nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp ôn tập, giao thêm bài tập, tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu để củng cố kiến thức cơ bản. Mục tiêu là giúp các em nắm chắc kiến thức nền, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bị hổng kiến thức khi bước vào kỳ thi.
Ở góc độ bộ môn, cô Nguyễn Thị Ngọc Vân, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, cần thay đổi cách dạy và học môn Ngữ văn theo hướng thực tế hơn. Thay vì chỉ luyện văn mẫu hay dạy học thuộc lòng, giáo viên phải giúp học sinh nắm được kỹ năng làm bài, biết diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. Ngoài ra, cần tăng cường rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, viết nghị luận xã hội, giúp học sinh vận dụng tốt vào bài thi.
CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIẢNG DẠY VÀ ÔN TẬP
Ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng đang đẩy mạnh phân tích dữ liệu thi một cách chi tiết. Không chỉ xem xét tỷ lệ đậu tốt nghiệp, các trường được yêu cầu đối chiếu phổ điểm từng môn, so sánh giữa kết quả thi và điểm học bạ, giữa các trường trong tỉnh với nhau, với các địa phương có điều kiện tương đương và với mặt bằng quốc gia. Việc này nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng giáo dục tại từng trường, từng tổ chuyên môn, từng giáo viên.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục trong các năm tiếp theo, nhất là khi đang triển khai Chương trình GDPT năm 2018, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy và ôn tập ngay từ đầu năm học.
Về phía ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh nhấn mạnh: Các trường THPT phải tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy theo đúng định hướng chương trình mới. Trên cơ sở kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từng trường cần phân tích kỹ phổ điểm, xác định rõ những môn học, những khâu còn yếu để có giải pháp phù hợp. Sang năm học mới cũng như các năm tiếp theo, các trường cần đổi mới cách dạy, cách ôn tập, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng mở, tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường với nhau. |
Trong đó, cần chú trọng bồi dưỡng học sinh yếu kém sớm, không để tình trạng hổng kiến thức kéo dài. Các trường cũng phải tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới cách dạy, cách học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và tăng cường phụ đạo, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách thực chất.
Cô Nguyễn Thị Phúc Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim cho rằng, các trường cần đẩy mạnh việc học sinh tự học, tự rèn luyện ngoài giờ lên lớp. Giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh cách lập kế hoạch học tập, biết tự kiểm tra, tự đánh giá quá trình học của mình. Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của tổ chuyên môn, mỗi tổ phải có kế hoạch hỗ trợ riêng cho từng nhóm học sinh, bám sát thực tế năng lực để có giải pháp phù hợp.
Ở khối giáo dục thường xuyên, cô Lê Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Tháp cho biết, với mặt bằng học lực đầu vào thấp, Trung tâm đã xây dựng lộ trình ôn tập riêng cho từng nhóm đối tượng. Học sinh được chia thành nhóm cơ bản và nâng cao để có cách kèm cặp phù hợp, tập trung củng cố kiến thức nền, nhất là các môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn. Trung tâm cũng chú trọng việc rèn cho học viên thói quen tự học và tăng cường phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ các em trong quá trình ôn luyện.
Ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích các trường học hỏi mô hình hiệu quả từ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng nhưng đạt kết quả tốt hơn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng chung. Cùng với đó, các trường cần chú trọng rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế, khả năng giải quyết vấn đề.
Ngoài việc ôn tập, cần hỗ trợ học sinh về tâm lý, giúp các em giảm áp lực thi cử, định hướng nghề nghiệp phù hợp. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đồng hành cùng học sinh là yếu tố then chốt.
Việc kiểm tra, đánh giá trong thời gian tới cũng cần thay đổi theo hướng đánh giá năng lực thực tế, không chỉ tái hiện kiến thức, mà cần nhìn nhận đầy đủ các mặt được và chưa được, Đồng Tháp sẽ có cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ở bậc THPT, chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi trong những năm tới, phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT mới.
ĐỖ PHI