Thứ Hai, 21/05/2012, 17:15 (GMT+7)
.

Phong cách Hồ Chí Minh

Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cách mạng Việt Nam là phong cách làm việc - nét đặc sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong cách làm việc của Người được Đảng và nhân dân ta hết sức trân trọng. Phong cách làm việc của Bác thể hiện ở những đặc trưng chủ yếu sau đây:

Phong cách quần chúng: Bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bác có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Bác luôn luôn chăm lo cho mối liên hệ với quần chúng và coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Bác nói “Nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Bác nói “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải bỏ hoặc sửa lại...”.

Với tấm lòng nhân ái bao la đối với quần chúng, Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng, với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở. Bác thường nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Một vấn đề quan trọng trong phong cách quần chúng của Bác Hồ là: Phải chống chủ nghĩa cá nhân. Bác đã kịch liệt phê phán: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”, “cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Bác Hồ với anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: vietbao.vn
Bác Hồ với nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Tư liệu

Phong cách làm việc khoa học: Bác Hồ dạy: “Gặp mỗi vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”. Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải “điều tra nghiên cứu rõ ràng”. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác”.

Để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác, Bác dạy phải biết lựa chọn cán bộ và sử dụng cán bộ. Bác căn dặn: Phải chí công vô tư trong tuyển chọn, xem xét cán bộ, bố trí cán bộ. Bác phê phán gay gắt bệnh ưa nịnh hót, ghét những người chính trực...

Khi giao công tác cho cán bộ thì phải làm cho họ an tâm, vui thú công tác. Quá trình người cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên một cách có hệ thống. Có như vậy mới đánh giá được hoạt động của cán bộ, đảng viên và còn đánh giá được những chủ trương, chính sách đề ra có đúng hay không.

Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể: Bác Hồ nghiêm khắc lên án bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh hình thức; khi ra chỉ thị, nghị quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện thì không có kế hoạch, biện pháp cụ thể, không kiểm tra, giám sát, không tổng kết rút kinh nghiệm.

Bác chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, “để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”.

Phong cách nêu gương: Bác Hồ nói: “Nói chung, các dân tộc phương Đông giàu tình cảm. Đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Bác Hồ đã nêu thành một nội dung của tư cách người cách mạng: Nói đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc “nói một đàng làm một nẻo” của những kẻ cơ hội.

Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đàng làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.           

NGUYỄN XUYẾN
 

.
.
.