Học bài học lớn Bác Hồ dạy làm báo
Từ khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi viết bài báo cuối cùng trong đời, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo luận điểm của Lênin về báo chí là công cụ “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”.
Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người đã học viết báo, làm báo và cũng chính Người đã sáng lập nên nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong hệ thống các giá trị tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có một góc độ về tư tưởng - văn hóa - nghề nghiệp làm báo…
Tranh châm biếm của Nguyễn Ái Quốc trên Báo Le Paria (Người Cùng Khổ): Văn minh bề trên! (Số 2, ngày 1-5-1922) và Mau lên du hành! (Số 5, ngày 1-8-1922). |
Bài học viết báo, làm báo, sử dụng báo chí
Có câu chuyện kể rằng: Khi đặt chân đến nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc mưu sinh bằng nhiều nghề và trong tiềm thức của người thanh niên ấy muốn chứng kiến những gì diễn ra ngay trên đất nước có nền văn minh “đi khai hóa thuộc địa”, muốn tiếp cận các trào lưu tiến bộ trên thế giới và nhằm mục đích lớn lao là “tìm con đường giải phóng cho dân tộc mình”. Trên đất nước ấy, với vốn tiếng Pháp tự học, Người đã học viết báo, làm báo.
Chuyện kể rằng, khi viết bài báo đầu tiên gửi đến tòa soạn, vị chủ bút đã góp ý để Người sửa chữa. Rồi các bài báo tiếp theo được chọn đăng, khi ấy vị chủ bút lại bảo: “Bây giờ ông có thể viết dài ra”. Một thời gian sau, vị chủ bút lại bảo: “Ông có thể viết ngắn lại”.
Câu chuyện buổi đầu Nguyễn Ái Quốc học viết báo bằng chính ngôn ngữ “mẫu quốc” có thể tóm tắt như vậy và đó cũng là bài học vỡ lòng cho người làm báo hôm nay (nhất là những người đang bước vào nghề).
Không chỉ học viết báo, chính Người vừa sáng lập, phụ trách trình bày, vẽ biếm họa, in báo… và phát hành báo đến đối tượng cần tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Đó là những tờ báo gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người như: Le Paria (Người Cùng Khổ), Tạp chí Quốc Tế Nông Dân, Thanh Niên, Việt Nam Hồn, Thân Ái, Lính Cách Mệnh, Việt Nam Độc Lập, Cứu Quốc…
Người để lại bài học lớn, chính Người tổ chức quy trình xuất bản báo, chính Người phụ trách trình bày báo vừa in đậm dấu ấn nghệ thuật độc đáo, vừa hiện đại vừa bình dân. Đó là bài học sinh động về hình ảnh “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, bài học sử dụng công cụ báo chí như “tờ hịch cách mạng” vẫn tươi nguyên.
Bài học về tính khuynh hướng chính trị của báo chí
Luận điểm báo chí mà Nguyễn Ái Quốc khẳng định trong suốt thời kỳ lịch sử lâu dài dưới chế độ thực dân phong kiến là đấu tranh cho quyền tự do báo chí. Với Nguyễn Ái Quốc, đấu tranh cho tự do báo chí về thực chất luôn gắn bó với đấu tranh cho khuynh hướng chính trị, bởi Nguyễn Ái Quốc nhận thức được rằng làm báo chính là làm chính trị - Báo chí là sản phẩm của khuynh hướng chính trị nhất định.
Trước sự đàn áp của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên nghịch lý đến nỗi khó tin được “Giữa thế kỷ XX này ở một đất nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được thế nào không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”.
Một tờ báo mà không đề cập đến các vấn đề chính trị và những chuyện thiết thân đến cuộc sống của người dân thì thủ tiêu chức năng của mình. Xu hướng chính trị của tờ báo, nói như Lênin “Một tờ báo mà không có xu hướng chính trị là điều lố lăng phi lý, chướng tai, gai mắt và có hại”. Nguyễn Ái Quốc phê phán tình trạng mất tự do của báo chí dưới chế độ thực dân Pháp nhưng đồng thời cũng nêu lên chức năng của báo chí.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về tính khuynh hướng chính trị của báo chí cũng là luận điểm cơ bản để lý giải vấn đề “tự do báo chí” mà phương Tây rêu rao. Báo chí là công cụ, là sản phẩm chính trị của một giai cấp nhất định, do đó không có chuyện “tự do báo chí” chung chung.
Báo chí (dù là tờ báo mang đậm chất giải trí, chuyên về một lĩnh vực nào đó…) cũng do một tầng lớp, một tập đoàn, thậm chí một nhóm người…thực hiện. Tất cả đều phục vụ lợi ích của những người nắm giữ tờ báo. Đó chính là sự chi phối bởi tính khuynh hướng, vấn đề tự do báo chí, do đó không thể tách rời quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế của một giai cấp, chế độ chính trị.
Tiếp thu quan điểm này, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu “Tự do báo chí của chúng ta chính là tự do phục vụ lợi ích, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chế độ XHCN”.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí cách mạng nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, với các loại hình báo chí: Báo viết (báo in), báo hình (truyền hình), báo nói (phát thanh), báo điện tử.
Báo chí hoạt động trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin đã trở thành lực lượng sản xuất ra của cải vật chất trực tiếp, trong đó báo chí đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng đã thật sự trở thành sản phẩm chính trị đặc biệt có tính chất hàng hóa và trong chừng mực nào đó báo chí tỏ rõ quyền lực chính trị của mình.
Vì vậy bài học về tính khuynh hướng chính trị của báo chí càng phải thấm nhuần và vận dụng nhằm đảm bảo tính định hướng chính trị của hoạt động báo chí. Dù tờ báo thuộc cơ quan, tổ chức nào, nội dung thông tin - tuyên truyền phục vụ đối tượng người xem - người nghe là ai cũng phải có chính kiến, có định hướng rõ ràng.
Trong mối quan hệ đan xen ấy, vấn đề bản lĩnh chính trị để xử lý thông tin không chỉ là sự vững vàng, nhất quán về lập trường, quan điểm của Đảng đối với hoạt động báo chí mà còn là một thử thách mang tính cọ xát trước mỗi sự việc - sự kiện - vấn đề, mỗi tình huống trong quá trình tác nghiệp của những người làm báo, cơ quan báo chí lấy lợi ích chung của nhân dân, của đất nước đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những bài học vô giá về báo chí cách mạng. Từ bài học vỡ lòng khi Người bắt đầu viết báo đến những quan điểm, phong cách… làm báo mà mỗi khi ôn lại, chúng ta càng thấm thía.
Đứng trước mỗi sự việc - sự kiện - vấn đề - tình huống…, người làm báo hôm nay hãy tự đặt câu hỏi và trả lời như Bác đã huấn thị: “- Viết cho ai? - Viết để làm gì? - Viết như thế nào?”. Đó là bài học lớn, rất cụ thể, rất thiết thực Bác để lại cho các thế hệ làm báo.
CỎ THƠM