Thứ Năm, 28/06/2012, 08:19 (GMT+7)
.

Phát động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Bác

Với tất cả sự tôn kính, giữ gìn và phát huy những giá trị về tư tưởng, đạo đức cao cả của Người, Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về đề tài “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (cơ quan thường trực Ban Tổ chức) phát động là hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bí thư Tỉnh ủy (khóa VIII) Trần Thị Kim Cúc trao giải I loại hình báo in và phát thanh -  truyền hình cho các tác giả qua cuộc thi lần thứ nhất. Ảnh: THANH HẢO
Bí thư Tỉnh ủy (khóa VIII) Trần Thị Kim Cúc trao giải I loại hình báo in và phát thanh - truyền hình cho các tác giả qua cuộc thi lần thứ nhất. Ảnh: Thanh Hảo

Tiếp nối kết quả từ cuộc thi lần trước, từ đúc kết kinh nghiệm của Trung ương và các địa phương, các ngành, đoàn thể… càng chứng minh vai trò của văn học - nghệ thuật vừa là sản phẩm, vừa là phương thức chuyển tải các đề tài về đạo đức Bác Hồ đi vào lòng người và nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, bồi bổ, nâng cao tâm hồn trong mỗi con người, xây dựng và hình thành ý thức tự giác làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ trong công việc hàng ngày có hiệu quả.

Đồng thời, với vai trò của báo chí càng thể hiện là kênh thông tin - tuyên truyền kịp thời, tạo hiệu ứng xã hội cao, có sức lan tỏa sâu rộng. Thông qua tác phẩm văn học nghệ - thuật và báo chí, trong thời gian qua, văn nghệ sĩ và báo giới đã khắc họa, phản ánh điển hình, nhân tố mới, giới thiệu, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt về quá trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để tiếp tục hưởng ứng, tham gia cuộc thi, văn nghệ sĩ, báo giới cần nâng cao nhận thức, dấn thân, nhập thân và sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tạo sức lan tỏa cao.

Trong cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng lớn lao để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người cho rằng đạo đức cách mạng là cái gốc của con người, Người chỉ rõ “đạo đức là cái gốc của cán bộ”. Và chính Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho các thế hệ soi rọi, học tập, làm theo.

Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa - đạo đức của dân tộc và tinh hoa của nhân loại, từ nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành và chỉ ra các chuẩn mực, giá trị đạo đức cách mạng. Tư tưởng đạo đức của Người mang đậm giá trị truyền thống, khoa học và thời đại; đồng thời gần gũi, cụ thể, phù hợp với mọi đối tượng, đi vào lòng người, dễ thực hiện. Vì vậy, đối với mỗi người chúng ta, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh, mọi chức trách, mọi công việc… vừa lớn lao, vừa thiết thực.

Từ kết quả cuộc vận động lớn, nay việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, ở mỗi cá nhân, đơn vị và trong toàn xã hội. Trong thực tiễn đó, văn học - nghệ thuật và báo chí đã kịp thời phát hiện, phản ánh bằng hình tượng, bằng người thật - việc thật, có tác dụng bồi bổ nhân cách, tâm hồn, cổ vũ, nhân rộng điển hình, nhân tố mới trong quá trình triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.

Những đóng góp của văn học - nghệ thuật và báo chí cũng chính là sự tiếp nối sự nghiệp văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới. Qua đó, cũng là cơ hội tốt để văn nghệ sĩ và báo giới rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, dấn thân vào thực tiễn, phát hiện, phản ánh, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ cho công chúng, mà trực tiếp là tiếp tục tích cực hưởng ứng cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí về đề tài lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, chính Người cũng là tác giả của nhiều tác phẩm lớn và chính Người đã vun đắp cho nền văn học cách mạng. Đối với báo chí, Người cũng là nhà báo lớn, nhà báo vô sản, sáng lập ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong mỗi chúng ta, tin chắc rằng đều đã biết đến những tác phẩm “Con Rồng tre”, “Nhật ký trong tù” và nhiều tác phẩm văn học của Người. Đó là những tác phẩm bất hủ, góp phần quan trọng làm phong phú cho nền văn học cách mạng Việt Nam. Cùng với sáng tác văn học - nghệ thuật, Người còn để lại cho chúng ta hàng ngàn bài báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác văn học - nghệ thuật, viết báo, làm báo, song Người chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nghệ sĩ, là nhà báo.

Đó cũng là một nhân cách lớn, là bài học về tính khiêm tốn, là một trong những phẩm chất đạo đức của Người để anh chị em văn nghệ sĩ và báo giới soi rọi, dấn thân trong quá trình sáng tác, tác nghiệp của mình. Không những là tác giả của nhiều tác phẩm lớn, là người làm báo và viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra các luận điểm cơ bản cho hoạt động văn học - nghệ thuật, báo chí và coi trọng vai trò của lực lượng văn nghệ sĩ, nhà báo.

Người quan niệm sâu sắc rằng văn học nghệ thuật và báo chí là công cụ đấu tranh cách mạng, là phương tiện truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong những lời kêu gọi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gắn kết: Nhà văn - Chiến sĩ.

Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người căn dặn những người làm báo cần xác định mục đích: “Viết để cho ai, viết để làm gì?”. Người nêu rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Những giá trị tư tưởng lớn lao về văn học - nghệ thuật, báo chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là định hướng chủ đạo và cũng là bài học gối đầu giường cho văn nghệ sĩ và báo giới tiếp tục cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm để góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ chí Minh” ăn sâu, bám rễ bền chắc trong đời sống xã hội.

Cũng như lần trước, cuộc thi lần này không chỉ phát động trong lực lượng văn nghệ sĩ, báo giới mà còn mở rộng trong cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, học sinh - sinh viên và nhân dân trong tỉnh tham gia. Cũng chính vì vậy cuộc thi cần được cụ thể hóa bằng bước đi phù hợp nhằm tạo nguồn cảm hứng, thâm nhập thực tế của mọi đối tượng tham gia, trong đó văn nghệ sĩ và báo giới là lực lượng nòng cốt.

Chúng ta tin tưởng rằng, bằng tình cảm thiêng liêng, bằng sự cảm thụ sâu sắc, bằng hành động cụ thể của cá nhân và tập thể, các tác giả sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi với tác phẩm chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Bằng các thể tài văn học - nghệ thuật và báo chí, chúng ta hãy tích cực sáng tác tác phẩm tham gia cuộc thi và hướng vào các nội dung trọng tâm sau:

+ Ca ngợi, làm nổi bật và sống động tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc về tấm gương đạo đức, phong cách của Người trong đời sống tinh thần của xã hội ta.

+ Tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định mục đích, ý nghĩa to lớn của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa trong toàn Đảng và toàn xã hội.

+ Phát hiện và nêu gương góp phần nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt trong quá trình thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Từ những nội dung trọng tâm nêu trên, các lực lượng tham gia cần bám sát thực tế sinh động, phát huy năng lực sáng tạo, xác định thật tốt từng thể loại phù hợp với loại hình văn học - nghệ thuật, báo chí nhằm sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Qua đó làm cho công chúng hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành động, hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện, làm nhiều việc tốt, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

CỎ THƠM

.
.
.