Chọn “điểm nhấn” học tập và làm theo Bác
Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, các cấp, các ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đã triển khai sâu rộng, học tập các chuyên đề gắn với các tiêu chí và nhiệm vụ, công việc cụ thể.
Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định: Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là giải pháp cơ bản để ngăn ngừa tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hay nói cách khác, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn liền với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, đó là “điểm nhấn” về giải pháp trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần nêu trên, đảng viên và quần chúng đang quan tâm theo dõi việc tự phê bình và phê bình từ trung ương đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Ảnh: TTXVN |
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã công bố những nội dung trọng tâm về kết quả bước đầu. Đồng thời trung ương cũng đã cử người có trách nhiệm phát ngôn trước công chúng những vấn đề được tập trung phân tích, mổ xẻ, giới thiệu… đối với tập thể, cá nhân và tiếp tục thực hiện theo trình tự quy định.
Sau khi thực hiện thí điểm, các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành đang tiến hành tự phê bình và phê bình… ở nơi có vấn đề “nóng”. Dư luận cũng quan tâm đặc biệt với niềm tin và kỳ vọng Đảng ta sẽ chỉ ra và mạnh dạn xử lý “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái…” nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Có thể nói, đây cũng là “điểm nhấn” giải pháp học tập và làm theo Người về tự phê bình và phê bình trong tình hình hiện nay với tinh thần không sợ khuyết điểm, chỉ sợ thấy sai lầm, khuyết điểm mà che giấu, không dám nhìn nhận, khắc phục, sửa chữa.
Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết hệ trọng gắn với thực hiện Chỉ thị có tính xuyên suốt như nêu trên, nhiều nơi đã tạo “điểm nhấn” thiết thực, có thể xem là điển hình, mô hình gắn liền với thực hiện chức trách của cơ quan công quyền, cán bộ, công chức. Đó là việc “xin lỗi dân” của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Bác Hồ chỉ rõ “Cán bộ là công bộc của dân”, mọi công việc của cơ quan hành chính Nhà nước, người Nhà nước phải gần dân, sát dân, vì dân. Vì vậy, dù vô tình làm tổn hại, ảnh hưởng đến lợi ích của công dân thì việc “xin lỗi dân” cũng là lẽ đương nhiên và tất nhiên không dừng lại ở đó mà còn phải khắc phục hậu quả (nếu có).
Về sâu xa, đây cũng là hành vi văn hóa trong ứng xử với công dân. Và rõ ràng là việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không khó nhận ra, song việc chọn “điểm nhấn” sao cho thiết thực, cụ thể đòi hỏi tập thể và cá nhân nhìn nhận thấu đáo với tinh thần trách nhiệm cao.
Cũng có ý kiến cho rằng, Bác Hồ vốn khiêm tốn, giản dị. Đó là một trong những phẩm chất, đức tính nhiều người học tập và làm theo. Cho nên, khi phát hiện việc làm tốt, cách làm hay và đặt vấn đề giới thiệu, nhân rộng thì các điển hình thường khéo léo từ chối.
Quả thật, đây cũng là “điểm nhấn” cần chiêm nghiệm, đặc biệt là không dễ dàng cho nhà báo, văn nghệ sĩ tiếp cận, tác nghiệp… Song, chúng ta hãy vận dụng việc học Bác về nghệ thuật chinh phục, sáng tạo, vượt khó. Đó cũng là “điểm nhấn” trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị trong công việc, trong cuộc sống đời thường.
Sinh thời, Bác của chúng ta thường nhắc nhở không nên rập khuôn, máy móc trong công việc, thế nên vài cảm nhận và gợi mở về “điểm nhấn” về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như nêu trên cũng chỉ là “điểm nhấn” về ý tưởng với thiển ý góp phần thực hiện một chỉ thị có tính xuyên suốt tốt hơn.
NGƯỜI SÔNG TIỀN